Còn hạn chế chủ đề truyền tải
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Tổng kết hoạt động truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương năm 2019: Chia sẻ thông tin - Kết nối mạng lưới” diễn ra ngày 11.10 do Văn phòng Đề án 844 phối hợp với Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới công nghệ - BQL Khu CNC Hòa Lạc tổ chức.
Tuy truyền thông có vai trò thiết yếu, nhưng ông Việt An cũng nhận định truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn hạn chế về chủ đề truyền tải, chưa thực sự được đáp ứng kịp thời với nhu cầu phát triển của các lĩnh vực, cũng như chưa chạm được đến vấn đề cốt lõi mà những người quan tâm đến khởi nghiệp sáng tạo muốn biết.
Từ góc độ là đại diện tổ chức thúc đẩy kinh doanh Vietnam Silicon Valley, đặc biệt là trực tiếp quản lý chương trình Art Cozy Accelerator về hỗ trợ các nhóm dự án khởi nghiệp phong cách sống, bà Hạnh Trần đánh giá: “Hiện chúng ta có rất nhiều các doanh nghiệp khởi nghiệp với nền tảng là công nghệ, tuy nhiên chúng ta dường như đang bỏ lỡ các dự án mà chúng tôi gọi là doanh nghiệp “lifestyle” (phong cách sống)”.
Theo bà Hạnh Trần, những doanh nghiệp này có sản phẩm/mô hình nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống văn hóa và tinh thần, trong đó đặc biệt có nhiều dự án xuất phát từ đặc thù của các địa phương, hướng đến tạo ra những thay đổi tích cực cho văn hóa và đời sống ở đây.
Vì vậy, bà Hạnh Trần nhận định những mô hình này hoàn toàn có khả năng tăng trưởng nhanh, cũng như được đánh giá là một “startup” (doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo). Cái họ cần là sự tư vấn về chiến lược, định hướng phát triển, quản trị và đặc biệt là việc gọi vốn, thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy mô hình này mang lại nhiều giá trị hơn cho cộng đồng.
Các diễn giả chia sẻ thông tin tại Hội thảo - Ảnh: BTC
Chưa đi vào cốt lõi
Về phía các địa phương, PGĐ Trung tâm Ứng dụng và Thông tin KH-CN (Sở KH-CN tỉnh Phú Thọ) cũng cho biết vai trò chủ động của truyền thông cần được đánh giá cao. Những năm vừa rồi, mọi người đề cập đến truyền thông cho những câu chuyện startup nhưng ngược lại, các startup cũng cần thông tin về các quỹ hỗ trợ, cơ chế chính sách, hướng dẫn thủ tục, cố vấn chiến lược… Do đó, truyền thông cần thực hiện hiệu quả cả các mục tiêu trên để phục vụ cộng đồng.
Ngoài ra, đại diện Sở KH-CN tỉnh Phú Thọ cũng cho rằng tại các địa phương, thường bị thiếu hụt kiến thức về khởi nghiệp nên dễ bị truyền thông sai, truyền thông chưa đi vào cốt lõi, dẫn đến chỉ nói được câu chuyện bề nổi, tạo nên các “phong trào” ảo cho cộng đồng.
Từ góc độ người nhiều năm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương, theo ông Nguyễn Xuân Trung đến từ Sở KH-CN Nghệ An, các startup rất e ngại truyền thông. Nguyên nhân chính là bởi các đài truyền hình, báo địa phương thường khiến câu chuyện về dự án bị “thổi phồng” để nâng giá trị startup lên và cũng có những trường hợp doanh nghiệp lo sợ bị lộ bí quyết kinh doanh...
Vì vậy, Văn phòng Đề án 844 mong muốn thông qua các chương trình đào tạo, kết nối mạng lưới có thể tìm ra những phương thức truyền thông cho các doanh nghiệp khởi nghiệp định hướng đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả, cũng như tăng cường hàm lượng chuyên sâu và tính đa dạng cho các nội dung giai đoạn tới; vừa góp phần đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo trên cả nước đi vào thực chất, vừa chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình vươn ra quốc tế của doanh nghiệp Việt.
Thu Anh