Vừa qua, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp đánh giá hiệu quả các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, trong đó có hai quỹ khoa học là NATIF và NAFOSTED. Qua giám sát, đoàn giám sát nhận thấy có một số bất cập trong cơ chế chi và có sự trùng lắp nhiệm vụ chi của hai quỹ này với nhiệm vụ chi của ngân sách nên đề xuất xem xét nhập hai quỹ làm một, và nhiệm vụ chi nào thuộc ngân sách thì để ngân sách chi.
Về vấn đề này, trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ KH-CN (chiều 9.10), Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy khẳng định không có chuyện hai quỹ này chi nội dung trùng nhau. Theo Thứ trưởng, hiện nay nội dung chi của NAFOSTED và các Chương trình KH-CN khác là không trùng nhau bởi các phân khúc là khác nhau. Đề tài nghiên cứu sản xuất khác với đề tài nghiên cứu cơ bản.
Để tạo ra sản phẩm KH-CN cần phải qua rất nhiều khâu, từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng, phát triển sản phẩm mẫu, thương mại hóa. Quỹ NAFOSTED thực hiện nhiệm vụ trong một “phân khúc” khác của chuỗi hoạt động nghiên cứu khoa học, đó là tập trung vào nghiên cứu cơ bản và công bố quốc tế.
Thứ trưởng Duy cũng phân tích thêm, đối tượng của Quỹ NAFOSTED là các nhà khoa học tại các Viện nghiên cứu, Trường Đại học. Kết quả yêu cầu đầu ra thể hiện bằng các bài công bố, nên cơ chế tài chính cho Quỹ dễ dàng hơn nhiều vì nó rất “thuần” so với cách tài trợ cho KH-CN từ trước đến nay.
Trong khi đó, Quỹ NATIF ra đời theo xu thế mới, khi có sự thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Quỹ NATIF có nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, từ tài trợ một phần cho đến cho vay hỗ trợ lãi suất ưu đãi.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH-CN, do hành lang pháp lý để ngân sách nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân vẫn đang được thực hiện, nên cần tiếp tục ra những cơ chế khác, tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo thông tin từ Quỹ NAFOSTED, Quỹ được thành lập từ năm 2003 nhằm tập trung nguồn lực tài trợ nghiên cứu cơ bản, bố trí nguồn lực cho nghiên cứu ứng dụng và triển khai ứng dụng kết quả vào thực tiễn.
Quỹ NAFOSTED hoạt động dựa trên nguyên tắc triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ công khai, dân chủ, bình đẳng; đánh giá khoa học thông qua Hội đồng KH-CN, chuyên gia tư vấn độc lập; quản lý chất lượng nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế; tài trợ, hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia và tương đương do tổ chức, cá nhân đề xuất.
Quỹ NATIF là đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước trực thuộc Bộ KH-CN, đồng thời là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.
Một trong những nhiệm vụ của Quỹ NATIF là tổ chức xét chọn nhiệm vụ, dự án KH-CN đề nghị Quỹ tài trợ, cho vay. Xây dựng quy định về hỗ trợ tài chính và quyết định mức hỗ trợ tài chính một cách minh bạch, kiểm tra quản lý quá trình triển khai thực hiện và tổ chức đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, dự án KH-CN được Quỹ hỗ trợ tài chính…
Thu Anh