Theo Medical Express, thống kê cho thấy có tới 20 triệu người Mỹ bị chấn thương dây thần kinh ngoại biên, có thể do vết thương trong chiến tranh và tai nạn xe máy cũng như các rối loạn y tế bao gồm cả bệnh tiểu đường.
Những tổn thương này có thể có tác động tàn phá đến chất lượng cuộc sống, dẫn đến mất cảm giác, chức năng vận động và đau dây thần kinh kéo dài. Cơ thể con người vẫn có khả năng tái tạo các dây thần kinh bị tổn thương, nhưng quá trình này chậm và không đầy đủ.
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm y học tái sinh và nghiên cứu tế bào gốc Eli và Edythe tại Đại học California, Mỹ, đã phát hiện ra một quá trình phân tử kiểm soát tốc độ phát triển của dây thần kinh trong quá trình phát triển phôi thai và phục hồi sau chấn thương trong suốt cuộc đời. Điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể quá trình phục hồi cho bệnh nhân bị chấn thương dây thần kinh ngoại biên.
Được biết, hệ thần kinh của cơ thể con người có 2 thành phần: hệ thần kinh trung ương, bao gồm não và tủy sống và hệ thần kinh ngoại biên, bao gồm tất cả các dây thần kinh khác trong cơ thể.
Các dây thần kinh ngoại biên trải dài trên một khoảng cách dài để kết nối các chi, tuyến và các cơ quan với não và tủy sống, gửi các tín hiệu điều khiển chuyển động qua các tế bào thần kinh vận động và chuyển tiếp thông tin như đau, chạm và nhiệt độ thông qua các tế bào thần kinh cảm giác.
Không giống như các dây thần kinh trong não và tủy sống, được bảo vệ bởi hộp sọ và đốt sống, các dây thần kinh của hệ thần kinh ngoại biên không có sự bảo vệ như vậy, khiến chúng dễ bị tổn thương.
Cơ thể vẫn có một cơ chế giúp các dây thần kinh ngoại biên thiết lập lại các kết nối sau chấn thương, quá trình này chậm; dây thần kinh bị tổn thương tái phát với tốc độ trung bình chỉ một milimet mỗi ngày và thường đi kèm với đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân. Và nếu các cơ bắp bị teo, cần thực hiện nhiều biện pháp phục hồi chức năng.
Ngay từ năm 2010, bằng các thử nghiệm trên loài gặm nhấm, các nhà khoa học thấy rằng có thể kiểm soát tốc độ phát triển dây thần kinh ở tủy sống trong quá trình phát triển phôi thai. Để làm điều này, cần tác động đến gien có tên Limk1. Gien này kiểm soát tốc độ tăng trưởng dây thần kinh bằng cách điều chỉnh hoạt tính của protein cofilin. Thử nghiệm được tiến hành trên những con chuột biến đổi gien để loại bỏ gien Limk1 đã cho thấy sự gia tăng 15% về tốc độ tái sinh dây thần kinh sau chấn thương so với những con chuột thuộc nhóm đối chứng.
Phát hiện này có thể giúp phát triển của các liệu pháp rút ngắn thời gian cần thiết để phục hồi dây thần kinh ngoại biên sau chấn thương .
Vũ Trung Hương