Tiêu biểu có mô hình nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGap của gia đình ông Bùi Đức Thịnh ở thôn Hoàng Quyển, xã Gia Viễn. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê chiêm trũng, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, ông Bùi Đức Thịnh luôn ấp ủ ước mơ tìm ra mô hình phát triển kinh tế phù hợp để có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Ông Thịnh sử dụng điện thoại thông minh để cho cá ăn.
Năm 2014, nhận thấy trên địa bàn xã Gia Viễn (trước kia là xã Gia Hòa) có một số diện tích đất 313 sâu trũng, ông đã làm đơn xin đấu thầu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Sau khi trúng thầu 2,6 ha, ông Thịnh thuê máy móc đào ao thả cá. Những năm đầu mới xây dựng mô hình, do chưa nắm chắc kỹ thuật nuôi, tỷ lệ hao hụt đầu con lớn, hệ số thức ăn trên mọi kg cá cao, vấn đề tiêu thụ gặp khó khăn nên hiệu quả kinh tế thấp. Không nản chí, ông tiếp tục tìm hiểu kỹ thuật nuôi mới thông qua sách, báo và đi thăm quan thực tế một số mô hình nuôi cá nước ngọt hiệu quả.
Các hệ thống điện, máy tạo oxy, cho cá ăn đều được cài đặt tự động bằng phần mềm trên điện thoại thông minh.
Không chỉ mạnh dạn áp dụng kỹ thuật nuôi cá theo hướng VietGAP, ông Thịnh còn là người đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông minh trong chăn nuôi. Hiện toàn bộ các khâu cho ăn, bật quạt nước tạo oxy cho cá đều được thao tác tự động trên ứng dụng của điện thoại thông minh. Điều đó giúp ông giảm bớt công lao động, giảm chi phí sản xuất. Vì vậy, với diện tích ao nuôi rộng, khối lượng công việc lớn nhưng đình ông không cần thuê thêm lao động.
Ngoài ra ông còn dùng các chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nuôi, làm sạch nguồn nước và chuyển hóa các chất thải, thức ăn thừa thành phù du có lợi cho con cá. Bên cạnh đó, ông Thịnh còn thường xuyên bổ sung các loại vitamin trộn lẫn với thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá. Việc cho ăn đầy đủ, môi trường nước đảm bảo và sử dụng hệ thống tạo ôxy giúp cá trong ao khỏe mạnh, tốc độ lớn nhanh, ít bệnh hơn.
Ao cá của gia đình ông Thịnh được nuôi theo hướng công nghệ cao.
Cũng theo ông Thịnh, từ năm 2014 đến năm 2024, ao cá nhà ông chủ yếu là các loài cá trắm, chép, trôi, mè,… trung bình cứ khoảng 9 tháng là thu hoạch được. Doanh thu mỗi năm từ việc bán cá vào khoảng 3-4 tỷ đồng/năm. Năm nay, ông Thịnh tập trung nuôi toàn bộ cá trắm ốc vì theo ông Thịnh đây là loài cá có sức tăng trưởng nhanh, khỏe, ít bệnh và được giá thành hơn.
Việc áp dụng mô hình nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGap và ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất của gia đình ông Bùi Đức Thịnh đã mở ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện môi trường cũng như làm cho người nuôi thay đổi tư duy về nuôi trồng thủy sản bền vững. Ứng dụng công nghệ cao còn giúp nông dân làm chủ được quy trình nuôi, từ đó nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập.
Minh Anh