Theo Science Daily, các nhà khoa học tại Đại học California và Đại học Harvard, Mỹ, lần đầu tiên đã chỉ ra rằng việc nấu thực phẩm làm thay đổi căn bản hệ vi sinh vật đường ruột ở cả chuột lẫn người. Đây là một phát hiện có ý nghĩa cả trong việc tối ưu hóa sức khỏe và để hiểu được rằng cách nấu ăn có thể thay đổi sự tiến hóa của hệ vi sính đường ruột trong thời tiền sử.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng nhiều khía cạnh của sức khỏe con người - từ viêm mạn tính đến tăng cân đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi trạng thái của số lượng lớn vi khuẩn sống trong và trên người chúng ta, được gọi chung là microbiome. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng cách xử lý nhiệt đối với thực phẩm thay đổi hệ vi sinh đường ruột. Được biết, nhiều chức năng cơ thể có liên quan đến hệ vi sinh vật, từ tiêu hóa và trao đổi chất đến miễn dịch đều có liên quan đến hệ vi sinh vật đường ruột.
Hiển nhiên, chế độ ăn uống nhất định có thể làm thay đổi rất nhiều hệ vi sinh đường ruột. Nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học nói về tác động của phương pháp nấu nướng. Họ đã tiến hành một thử nghiệm trên loài gặm nhấm được cho ăn các loại thực phẩm khác nhau - thịt sống, thịt nấu chín, khoai lang sống hoặc khoai tây chế biến.
Hóa ra, thịt sống so với thịt nấu chín không có tác dụng rõ rệt đối với vi khuẩn đường ruột của động vật. Ngược lại, khoai lang sống và chín làm thay đổi đáng kể thành phần vi sinh vật của động vật, cũng như mô hình hoạt tính gien của vi khuẩn và các sản phẩm trao đổi chất sinh học quan trọng mà chúng tạo ra. Các nhà khoa học cũng thu được kết quả tương tự khi đưa toàn bộ các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật khác nhau vào khẩu phần ăn, bao gồm cà rốt, đậu Hà Lan, khoai tây thông thường, ngô và củ cải đường.
Nói chung, việc xử lý nhiệt đối với thực phẩm cho phép hấp thụ nhiều calo hơn trong ruột non, để lại ít thức ăn cho vi khuẩn. Đồng thời, một số thực phẩm thô có thể chứa các hợp chất kháng khuẩn, về mặt lý thuyết là nguy hiểm đối với một số vi sinh vật.
Vũ Trung Hương