Theo The Daily Mail, các nhà khoa học ở Đại học Quân y Nhật Bản đã phát triển được loại máu nhân tạo, theo lý thuyết là phù hợp để truyền máu cho bệnh nhân với bất kỳ nhóm máu nào.
Các nhà khoa học tin rằng phát minh của họ có thể cứu nhiều sinh mạng bằng cách cho phép những người bị thương được điều trị ngay tại hiện trường, chứ không như từ trước đến nay bệnh nhân thường phải đến bệnh viện nơi các bác sĩ xác định nhóm máu của họ trước khi truyền máu.
Tiến sĩ Manabu Kinoshita, tác giả chính của công trình, giải thích rằng thật khó có dự trữ một lượng máu đủ để truyền máu ở những vùng như những hòn đảo xa xôi. Máu nhân tạo sẽ có thể cứu sống nhiều sinh mạng khi một chấn thương nghiêm trọng có thể khiến bệnh nhân bị chảy máu nhiều. Để điều trị càng nhanh càng tốt, các bệnh viện buộc phải có một khối lượng lớn các nhóm máu khác nhau trong tay.
Đây là một loại dung dịch có các tế bào hồng cầu (mang oxy) và tiểu cầu (chịu trách nhiệm cho quá trình đông máu). Loại máu vạn năng này đã được thử nghiệm trên 10 con thỏ bị mất máu nghiêm trọng. Kết quả là 6 cá thể thỏ sống sót. Các chỉ số sống sót này hoàn toàn tương đương với thực tế là nếu các con vật được truyền máu thực sự. Và máu tổng hợp không gây tác dụng phụ như hình thành các cục máu đông.
Dung dịch máu nhân tạo do các nhà khoa học Nhật Bản bào chế có thể được lưu trữ trong hơn một năm. Thông thường, thời hạn sử dụng tiểu cầu trong máu được hiến chỉ là 4 ngày và thời hạn sử dụng của hồng cầu là 20 ngày, ngay cả khi được bảo quản ở nhiệt độ thấp.
Vũ Trung Hương