Theo BBC, các nhà khoa học ở Đại học Newcastle, Anh, đã làm sáng tỏ sự phát triển kháng kháng sinh của vi khuẩn. Theo đó, vi khuẩn có thể "lột xác" bằng cách loại bỏ lớp ngoài, lớp thành tế bào để trốn kháng sinh. Và điều này cho phép chúng sống sót sau cuộc tấn công của các loại thuốc nhắm vào thành tế bào.
Ở một số vi khuẩn, thành tế bào được tạo thành từ đường và axit amin. Thành tế bào thiết lập hình dạng của vi khuẩn và bảo vệ vi khuẩn. Nhưng đồng thời, đây là một điểm yếu có thể trở thành mục tiêu cho kháng sinh. Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy một số vi khuẩn đã phản ứng với kháng sinh bằng cách vứt bỏ thành tế bào. Loại kháng sinh đầu tiên được phát hiện là penicillin, phá vỡ thành tế bào và khiến vi khuẩn bị tiêu diệt.
Công bố kết quả công trình nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học cho biết đã theo dõi vi khuẩn từ những bệnh nhân cao tuổi bị nhiễm trùng đường tiết niệu đang bị tái phát. Nhờ mánh khóe tinh vi trên, vi khuẩn tránh sự tấn công của kháng sinh vốn chỉ nhằm phá vỡ thành tế bào của vi khuẩn và sau đó gây ra nhiễm trùng trở lại.
Tiến sĩ Katarzyna Mickiewicz, nhà nghiên cứu tại Đại học Newcastle giải thích rằng không phải tất cả vi khuẩn đều sống sót, chỉ một số ít, nhưng nó có thể đủ để gây nhiễm trùng tái phát. Về lý thuyết, việc mất thành tế bào khiến vi khuẩn không thể chống lại hệ miễn dịch. Nhưng trên thực tế, điều này không xảy ra nếu bệnh nhân già yếu hoặc mắc các bệnh làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Hơn nữa, ngay khi kháng sinh mất hiệu lực, thành tế bào mới lại được hình thành.
Vị tiến sĩ cho rằng phát hiện của các nhà khoa học có thể dẫn đến những ý tưởng mới trong điều trị bệnh khi có thể vượt qua sự kháng thuốc này bằng cách kết hợp các loại thuốc tấn công cả thành tế bào lẫn hoạt động bên trong của vi khuẩn.
Vũ Trung Hương