Theo TASS, một nhóm khoa học quốc tế, có sự tham gia của các chuyên gia của Đại học Công nghệ nghiên cứu quốc gia (Nga) đã phát triển than hoạt tính cải tiến để làm sạch sắt khỏi nước với hiệu quả cao hơn tại các trạm cấp nước.
Hàm lượng sắt tăng trong nước uống có thể khiến người dùng mắc các bệnh về gan và thận, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ đau tim và tổn thương mô trong khi đột quỵ. Sắt trong nước cũng có hại cho đường ống dẫn nước, các thành bên trong ống bị bao phủ bởi chất nhầy, nguồn gốc của vi khuẩn, theo thời gian dẫn đến ăn mòn và phá hủy vật liệu. Hàm lượng sắt cho phép trong nước uống là 0,3 miligam/lít, nhưng trên thực tế, hàm lượng thực của nồng độ sắt trong nước ngầm vượt quá con số này từ 10 lần trở lên.
Các tác giả của công trình nghiên cứu đã phát triển một chất độn xúc tác dựa trên than hoạt tính cải tiến, có thể cải thiện quá trình lọc nước tại các trạm khử sắt, là một phần của hệ thống cấp nước đô thị.
Các nhà khoa học ở Đại học Công nghệ nghiên cứu quốc gia Nga và Đại học Limerick (Ireland) Viện Hóa học đại cương và vô cơ thuộc Viện Hàn lâm khoa học Belarus, và Đại học Kỹ thuật quốc gia Belarus đã phát triển công nghệ thu than hoạt tính cải tiến với chi phí thấp nhưng lọc sắt với hiệu quả cao. Loại than mới được cải tiến, thân thiện với môi trường và cho phép liên kết sắt với hiệu quả cao gấp 3 lần than hoạt tính thông thường, nồng độ sắt chỉ còn ở mức 0,1mg mỗi lít nước.
Các nhà khoa học tiết lộ rằng để thu được hiệu quả trên, các hạt than hoạt tính đã được ngâm tẩm trước bằng dung dịch chứa nitrat sắt và chất khử hữu cơ. Sau đó, chúng được đưa vào lò nung để tạo phản ứng, kết quả là một màng xúc tác hình thành trên bề mặt hạt trong vài phút. Hiệu quả của vật liệu mới đã được thử nghiệm tại các trạm khử sắt ở Belarus.
Các kết quả nghiên cứu được các nhà khoa học công bố trên tạp chí Environmental Research.
Vũ Trung Hương