Dù vậy, nhiều đồng nghiệp của nhà vật lý thiên văn Ron Mallett, hiện là Giáo sư Vật lý tại Đại học Connecticut cho rằng, cỗ máy thời gian mà ông này đề cập sẽ không hoạt động trong thực tế.
Cụ thể, giáo sư Mallett cho biết với CNN rằng ông đã viết ra được một phương trình khoa học, thứ được xem là "lõi" để chế tạo một cỗ máy thời gian trong thực tế. Ông Mallett thậm chí còn chế tạo một thiết bị nguyên mẫu để minh họa một thành phần chính trong lý thuyết của mình, dù các đồng nghiệp của ông vẫn không tin rằng cỗ máy thời gian sẽ thành hiện thực.
Để hiểu cỗ máy của giáo sư Mallett, bạn cần biết những điều cơ bản trong lý thuyết tương đối đặc biệt của nhà bác học Albert Einstein, trong đó nêu rõ rằng thời gian tăng tốc hoặc giảm tốc tùy thuộc vào tốc độ di chuyển của một vật thể.
Dễ hiểu hơn là nếu bạn có tốc độ di chuyển nhanh gần với tốc độ ánh sáng thì thời gian xung quanh bạn sẽ trôi chậm hơn so với ở Trái đất. Về cơ bản một phi hành gia hoạt động trên một con tàu vũ trụ có tốc độ di chuyển gần bằng tốc độ ánh sáng khi du hành ngoài không gian trong 1 tuần sẽ bằng ở Trái đất 10 năm. Điều đó có nghĩa là phi hành gia đó gần như đã du hành tới tương lai.
Hầu hết nhà khoa học đồng ý rằng việc du hành tới tương lai như thế là có thể làm được, nhưng du hành ngược thời gian về quá khứ thì lại là chuyện khác. Và ông Mallett nghĩ rằng ông có thể giải quyết vấn đề này bằng cách sử dụng tia laser.
Theo giáo sư Mallett, ông sử dụng một lý thuyết khác của Einstein là thuyết tương đối tổng quát. Theo lý thuyết đó, các vật thể lớn uốn cong không - thời gian (một hiệu ứng mà chúng ta coi là trọng lực) và lực hấp dẫn càng mạnh thì thời gian càng chậm.
"Nếu bạn có thể bẻ cong không gian, thì có khả năng bạn sẽ xoắn không gian", ông Mallett nói với CNN.
Ông Mallett tin rằng về mặt lý thuyết việc xoắn thời gian thành một vòng lặp cho phép chúng ta có thể du hành về quá khứ.
Dù ông Mallett tự tin với lý thuyết của mình và cho rằng ông sẽ sớm chế tạo một nguyên mẫu sử dụng laser để chế tạo một vòng ánh sáng lặp tuần hoàn chứng minh lý thuyết của mình, nhưng nhiều đồng nghiệp của ông nghi ngờ kết quả có thể đạt được.
"Tôi không tin rằng nghiên cứu của ông ấy sẽ có kết quả. Vì tôi cho rằng có những lỗ hổng quá lớn trong phép toán lý thuyết của ông ấy và vì điều đó nên một thiết bị như vậy là không thể chế tạo được", nhà vật lý thiên văn Paul Sutter bình luận.
Thiên Hà (theo Futurism)