Ngày 9/5 vừa qua, UBND quận 1, TP HCM tổ chức thí điểm 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua bán hàng hóa, ra mắt phần mềm “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố quận 1".
Theo đó, 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua bán hàng hóa trên địa bàn quận 1 gồm: Hoàng Sa (phường Tân Định), Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao), Hải Triều, Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé), Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh (phường Bến Thành), Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình), Trần Hưng Đạo (thuộc các phường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho), Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh), Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang).
Ghi nhận tại vỉa hè đoạn Lê Thánh Tôn, mọi hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân đều nằm gọn trong vạch kẻ vàng. Một số trường hợp chưa quen, đặt bàn ghế lấn ra vạch liền bị nhân viên phường nhắc nhở.
Quận 1 cho thí điểm 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa
Đăng ký sử dụng 8 m2 vỉa hè ở đây, chị Thanh Tuyền, chủ quán cà phê Vy, bày tỏ sự nhẹ nhõm. Giống như anh Trần Huy Hoàng, chị Tuyền thừa nhận lúc chưa đóng phí, thỉnh thoảng chị vẫn lấn một phần vỉa hè để sử dụng khi khách đông nhưng không an tâm vì ngại nhân viên đô thị đi qua nhắc nhở… "Nay được đăng ký đóng phí sử dụng chính thức, tôi thấy thoải mái rồi" - chị Tuyền bày tỏ.
Để thuận lợi trong việc tìm kiếm, xác định và đăng ký sử dụng một phần hè phố để kinh doanh, người dân có thể thực hiện việc đăng ký thông qua phần mềm “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời hè phố quận 1". Phần mềm giúp người dân có thể tra cứu nhanh chóng chức năng hè phố tại vị trí số nhà cụ thể trên địa bàn quận, thông qua bản đồ số phố.
Tháng 7 năm ngoái, TP HCM ban hành quyết định mới về quản lý và sử dụng tạm một phần lòng đường, hè phố, thay quyết định cũ đã áp dụng 15 năm. Trên cơ sở này, HĐND thành phố ban hành mức phí để áp dụng cho từng trường hợp sử dụng vỉa hè, lòng đường, hiệu lực từ đầu năm nay. Ngoài quận 1, nhiều quận huyện khác trên địa bàn cũng đang rà soát, lập danh mục các tuyến đủ điều kiện tổ chức các hoạt động có thu phí.
Hiện, các trường hợp được sử dụng một phần lòng đường, hè phố và đóng tiền, gồm: tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm giữ ôtô phục vụ hoạt động văn hóa; điểm kinh doanh dịch vụ, mua - bán hàng hóa; giữ xe có thu tiền dịch vụ; nơi trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị...
Vỉa hè đường Nguyễn Trãi được công nhân kẻ vạch phân định một bên cho sử dụng tạm và lối dành cho người đi bộ
Mức phí được thành phố áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, ở nội thành sẽ cao hơn ngoại ô. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2 mỗi tháng. Các hoạt động khác sẽ áp dụng 20.000-100.000 đồng/m2.
Theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải, vỉa hè thuộc diện cho sử dụng một phần phải rộng ít nhất 3 m, trong đó 1,5 m dành cho người đi bộ. Còn với lòng đường, sau khi chừa lại ít nhất hai làn ôtô cho một chiều đi, phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.
Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch UBND quận 1, cũng cho biết việc tổ chức thí điểm sử dụng một phần hè phố đủ điều kiện làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa trên địa bàn quận 1 sẽ thực hiện từ ngày 9/5 đến 30/9/2024.
"Phần mềm Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời tạm thời hè phố quận 1 giúp người dân có thể tra cứu nhanh chóng chức năng hè phố tại vị trí số nhà cụ thể. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hè phố theo hướng thông minh, công khai, hiện đại..."- ông Vinh nói.
Nguồn kienthuc.net.vn
Link bài gốchttps://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/tp-hcm-thu-phi-via-he-het-canh-vua-ban-vua-lo-1989362.html