Thành phố đang thu hút nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn, nhờ sở hữu lợi thế phát triển kinh tế - du lịch.
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản Bảo Lộc trở nên sôi động với loạt "ông lớn" tham gia hoặc lên kế hoạch phát triển dự án tại đây. Trong đó, có thể kể đến Tập đoàn VinGroup, TTC Land, Hưng Thịnh, Era Holdings, T&T Group...
Trong đó, dự án Bảo Lộc Golden City hướng đến xây dựng một đô thị có môi trường sống văn minh, hiện đại, giao hòa với thiên nhiên. Vị trí thuận lợi ngay mặt tiền đường Nguyễn Văn Cừ - trung tâm thành phố, cư dân của dự án có thể thừa hưởng cuộc sống tiện nghi với quần thể các công trình dịch vụ như trung tâm thương mại, thể dục thể thao, trường học, công viên, nhà văn hóa...
Đại diện Era Holdings - chủ đầu tư dự án cho biết, dự án nhắm đến đối tượng khách hàng là người dân tại địa phương cũng như các nhà đầu tư ngoại tỉnh, nhờ tiềm năng phát triển kinh tế - du lịch của thành phố.
Cách Đà Lạt 110km về hướng Nam và TP HCM 180km về hướng Bắc, Bảo Lộc là giao điểm kết nối 2 đầu kinh tế lớn Đông Nam Bộ - Tây Nguyên và là huyết mạch giao thương cả nước nói chung.
Theo quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận được xác định là trung tâm vùng phía Nam của tỉnh, phát triển tiệm cận chuẩn đô thị loại I. Nơi đây chủ yếu phát triển công nghiệp nhẹ (chế biến nông sản, dệt may, tơ tằm, công nghiệp phụ trợ, khai thác và chế biến sản phẩm sau khai khoáng), thương mại dịch vụ - du lịch, các vùng chuyên canh theo hướng nông nghiệp sạch công nghệ cao, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và bảo quản sau thu hoạch... Trên thực tế, thành phố đã thu hút nguồn đầu tư rất lớn cho hàng loạt dự án tầm vóc, trải đều các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, công nghiệp nặng, du lịch - dịch vụ, y tế, giáo dục cho đến bất động sản.
Bảo Lộc có nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá với hơn 25 loại khoáng sản như bauxite, bentonite, kaolin, vàng, thiếc, đá quý, thạch anh, đá granit... với trữ lượng lớn. Đây còn là "thủ phủ" của hàng trăm nhà máy chè - cà phê lớn nhỏ, hàng chục nhà máy tơ tằm may mặc... chiếm 40% tỷ lệ công nghiệp cả tỉnh.
Theo số liệu của thành ủy Bảo Lộc, tính đến hết năm 2018, toàn thành phố có 833 doanh nghiệp đang hoạt động, bao gồm 6 doanh nghiệp có vốn thuộc sở hữu nhà nước, 811 danh nghiệp ngoài nhà nước. Ngoài ra, còn có 3.750 hộ kinh doanh cá thể, 44 hợp tác xã và tổ hợp tác.
Các loại hình kinh doanh bổ trợ nhau, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: thương mại dịch vụ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi, gỗ - đá làm nguyên liệu cho xây dựng, cùng với khai khoáng đã hình thành các khu công nghiệp lớn như Lộc Phát, Lộc Sơn, Lộc Tiến, Lộc Thắng... tạo công ăn việc làm, ổn định an sinh xã hội. Trong guồng phát triển, Bảo Lộc vẫn đảm bảo gìn giữ nguồn tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, cảnh quan, giảm thiểu ô nhiễm đến mức thấp bằng các đề án quy hoạch khoa học, đồng bộ.
Vùng đất Nam Tây Nguyên mát mẻ quanh năm với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như hồ Lộc Thanh, hồ Nam Phương, thác DamB’ri, thác Tam Hợp, thác 7 tầng Tà Ngào, suối Đá Bàn, núi Sa Pung, các cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn... còn cho phép phát triển kinh tế du lịch - nghỉ dưỡng và khám phá. Thành phố định hướng đi lên trên nền tảng bảo tồn bản sắc riêng, phát huy tính nhân văn và bền vững đô thị sinh thái.
Hệ thống sông suối đa dạng như DaR’Nga, Đại Bình, ĐamB’ri với nguồn nước khoáng - ngầm trữ lượng lớn, giúp Bảo Lộc phát huy thế mạnh sản xuất nước uống, thủy lợi hay canh nông. Địa hình núi đồi trập trùng phân hóa các khối baza cùng thung lũng thoai thoải thuận lợi phát triển cây chè, cà phê, dâu phục vụ nội địa và xuất khẩu quốc tế.
Ngoài ra, thành phố sắp được bổ sung thêm những hạng mục hạ tầng giao thông quan trọng như tuyến vành đai và cao tốc Hồ Chí Minh - Dầu Dây - Liên Khương, hoàn thiện và nâng cấp các tuyến kết nối Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu...
(VN Express)