Vườn Quốc gia Vũ Quang tiến hành thả các cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu giám đốc (thủ trưởng) các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị số 04, Chỉ thị số 29 và Chỉ thị số 42; của UBND tỉnh tại các Văn bản: số 6050/UBND-NL3 ngày 9/9/2020 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 29; số 947/UBND-NL2 ngày 22/02/2021 về việc bảo tồn đa dạng sinh học, các loài hoang dã, loài ngoại lai xâm hại; số 3419/UBND-NL4 ngày 27/6/2022 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 04.
Đồng thời, chỉ đạo cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không tham gia các hoạt động săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, sử dụng, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã trái pháp luật, đặc biệt là các loài chim hoang dã trong mùa di cư từ tháng 9 của năm trước đến tháng 4, 5 của năm sau.
Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trên địa bàn; nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã, các loài nguy cấp, các loài chim hoang dã di cư và không buôn bán, vận chuyển, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại. Điều tra, đánh giá các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn và thực hiện các biện pháp kiểm soát, diệt trừ; kế hoạch tăng cường ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp Sở TN&MT, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Cục Hải Quan tỉnh, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường phối hợp liên ngành, thanh tra, kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã, chợ chim hoang dã, các tuyến vận chuyển hàng hoá trọng điểm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, các loài di cư; tăng cường các biện pháp kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại ban hành kèm theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ TN&MT trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; chỉ đạo, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong nhập khẩu, phát tán, nuôi trồng, phát triển, vận chuyển, kinh doanh, phóng sinh trái phép các loài ngoại lai xâm hại ra môi trường tự nhiên.
Đấu tranh bắt giữ, phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc săn bắt, giết mổ, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh trái phép mẫu vật các loài động vật hoang dã và các loài chim tự nhiên.
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh tăng cường đưa tin, phát sóng các thông điệp, phóng sự, bản tin tuyên truyền pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm soát loại ngoại lai xâm hại, bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát đối với xuất nhập khẩu hàng hóa, phương tiện giao thông vận tải qua cửa khẩu liên quan đến động vật hoang dã, loài sinh vật ngoại lai xâm hại, đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
Ban Quản lý vườn quốc gia Vũ Quang, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và các tổ chức có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, tăng cường tuần tra, truy quét, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đến tài nguyên rừng, tài nguyên ĐDSH; bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, các loài di cư; kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại tại khu vực quản lý. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã, các loài nguy cấp, các loài chim hoang dã di cư và không buôn bán, vận chuyển, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại khu vực dân cư vùng đệm xung quanh Vườn quốc gia, khu bảo tồn.
Nguồn Báo Hà Tĩnh
Link bài gốchttps://baohatinh.vn/thuc-thi-phap-luat-trong-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-bao-ve-cac-loai-hoang-da-post263374.html