(HNM) - Đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng được 12,5 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị, song đến hết năm 2019, cả nước mới phát triển được khoảng 34,3% so với mục tiêu đề ra. Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Xây dựng cho biết sẽ thực hiện sửa đổi quy định nhằm thúc đẩy công tác phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn tới.
Đâu là "điểm nghẽn"?
Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân các khu công nghiệp, tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2127/QĐ-TTg ngày 30-11-2011), Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng 12,5 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết, công tác phát triển nhà ở xã hội hiện chưa đạt được yêu cầu đề ra trong Chiến lược. Cụ thể, đến hết năm 2019, chỉ có 207 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn, tương đương hơn 4,3 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội (đạt khoảng 34,3%).
Nhìn nhận về nguyên nhân khiến công tác phát triển nhà ở xã hội bị “mắc cạn”, ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, bên cạnh khó khăn về nguồn vốn (sau khi gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc từ năm 2016, gây khó khăn lớn cho cả chủ đầu tư, người dân có nhu cầu mua nhà), thì “điểm nghẽn” thứ 2 là việc triển khai thực hiện dự án nhà ở tại địa phương đã gặp không ít bất cập. Điển hình như việc chọn địa điểm xây dựng nhà ở xã hội, có địa phương lựa chọn địa điểm không phù hợp, dẫn đến không phát triển được dự án hoặc có phát triển dự án, song không thu hút được nhiều người về ở.
Ở góc độ chủ đầu tư, ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho hay, nhiều doanh nghiệp không “mặn mà” đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, vì nhà ở xã hội được ưu đãi thuế đất, nhưng bị khống chế về giá, lợi nhuận, trong khi giá vật liệu xây dựng, nhân công… không giảm. Cùng với đó, lãi suất vay vốn cao, lợi nhuận thấp do bị khống chế giá bán; thời gian thu hồi vốn chậm do quy định để lại 20% quỹ nhà dành cho thuê trong 5 năm... “Thực tế, doanh nghiệp nào cũng muốn dự án quyết toán nhanh, đặc biệt với các công ty cổ phần. Tuy nhiên, quy định như vậy khiến doanh nghiệp bị đọng vốn nhiều. Về vốn trung hạn, các ngân hàng cũng không muốn hỗ trợ lãi suất các dự án như vậy...” - ông Bùi Khắc Sơn chia sẻ.
Sửa quy định để hóa giải “điểm nghẽn”
Để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, trước hết cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. “Điều quan trọng hiện nay là Chính phủ, Quốc hội cần quan tâm bố trí đủ vốn ngân sách theo quy định để thúc đẩy hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy tăng trưởng, ổn định thị trường bất động sản” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chia sẻ.
Bên cạnh đó Bộ Xây dựng cũng đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản, gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; khắc phục việc lệch pha cung - cầu, phát triển đa dạng hóa các loại hàng hóa bất động sản nhà ở, trong đó đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở xã hội đô thị, nhà ở cho công nhân lao động, nhà ở cho thuê. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách mô hình hợp lý để huy động các nguồn lực; kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành cho nhà ở xã hội.
Với Hà Nội, nhằm triển khai có hiệu quả chương trình phát triển nhà ở xã hội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ năm 2019, thành phố đã có quỹ hỗ trợ, đầu tư phát triển nhà ở xã hội từ nguồn tiền thu được tương đương giá trị 20%, 25% quỹ đất ở tại các dự án nhà ở thương mại thực hiện theo trách nhiệm phát triển nhà ở xã hội bằng phương thức nộp tiền. Đến nay, đã có hơn 2.000 tỷ đồng nộp ngân sách để phát triển nhà ở xã hội... UBND thành phố cũng thực hiện một số giải pháp: Rà soát toàn bộ quỹ đất 20% trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; kiên quyết thu hồi, hoặc dừng các dự án chậm triển khai để đề xuất quỹ đất phục vụ phát triển nhà ở xã hội; triển khai các khu đô thị nhà ở xã hội tại 4 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín.
Trong giai đoạn tiếp theo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Hà Quang Hưng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030” tại Quyết định 848/QĐ-TTg ngày 12-7-2018, do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại. Dự án được thực hiện trong 3 năm với mục tiêu nâng cao quyền có nhà ở của các hộ có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp thông qua việc nghiên cứu, đề xuất cải thiện chính sách nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 nhằm góp phần sửa đổi Luật Nhà ở hiện nay. Với những giải pháp này, hy vọng, thời gian tới mục tiêu xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp ở khu vực đô thị sẽ được cải thiện theo hướng hiệu quả hơn.