Nguồn cung hạn chế, nhu cầu mua cao khiến dòng sản phẩm đất nền, nhà phố và biệt thự tại TP.HCM có giá bán biến động tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Khan hiếm nguồn cung sản phẩm mới
Dữ liệu nghiên cứu của Batdongsan.com.vn về giao dịch đất nền, biệt thự tại TP.HCM tháng 4/2019 cho thấy, lượng sản phẩm nhà gắn với đất được rao bán tại thị trường này đang giảm mạnh. Cụ thể, lượt tin rao bán đất nền, nhà phố/biệt thự liền kề trong tháng 4 giảm đến 22% so với tháng 3/2019. Khu Đông và khu Tây, hai thị trường chủ lực cung cấp sản phẩm nhà gắn với đất cho TP.HCM có tỷ lệ nguồn hàng rao bán giảm từ 14-25% chỉ trong 1 tháng.
Đáng chú ý, gần 80% nguồn cung đang rao bán hiện hữu trên thị trường hiện nay là sản phẩm cũ, sang nhượng thứ cấp. Dự báo trong 6 tháng đầu năm thành phố sẽ có ít nhất 10 dự án nhà phố/biệt thự mở bán mới với nguồn cung xấp xỉ 2.000 sản phẩm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, TP.HCM chỉ mới có khoảng 3 dự án ra hàng, quy mô cũng rất nhỏ, chỉ từ 30-100 sản phẩm. Đơn cử, khu Đông chỉ có 2 dự án mới chào bán với nguồn cung chưa đến 200 sản phẩm.
Dự án Van Phuc City của Tập đoàn Đại Phúc tại khu vực quận Thủ Đức là dự án có số sản phẩm tung ra nhiều nhất cũng chỉ khoảng 100 sản phẩm. Đây vốn không phải là dự án mới mà là giai đoạn tiếp theo của một đại dự án đã được mở bán từ năm 2016. Theo dự kiến sắp tới tập đoàn này sẽ bung ra thêm khoảng 50 căn nhà phố, thay vì ra lượng hàng lớn như quý 1, thời điểm bán có thể rơi vào cuối quý 2 hoặc đầu quý 3 năm nay.
Trong khi đó, Vin City quận 9 – một dự án lớn, có lượng sản phẩm dự kiến lên tới hơn 2.000 biệt thự, nhà phố được kỳ vọng sẽ giải cơn khát nguồn cung cho thị trường hiện vẫn chưa có dấu hiệu ra hàng dù đã rục rịch thông tin từ quý 4/2018.
Ở khu Nam, dự án Senturia Nam Sai Gon gồm 380 căn nhà phố và 90 căn biệt thự dù được quảng bá chào bán từ quý 1 nhưng đến nay vẫn chưa chính thức ấn định thời gian bán mà chỉ mới nhận đặt chỗ.
Khu Tây vốn dồi dào nguồn cung nhà phố xây sẵn cũng trầm lắng hơn trong gần nửa năm qua. Cụ thể, từ đầu quý 2 đến nay, trừ Cityland tiếp tục bán giai đoạn 5 sản phẩm nhà phố Cityland Park Hills với số lượng nhỏ, thị trường gần không có dự án mới.
Nhìn chung tốc độ tăng trưởng nguồn cung lũy kế nhà gắn với đất của thị trường TP.HCM tính đến quý 1/2019 chỉ đạt khoảng 2%. Lượng sản phẩm này ở TP.HCM chỉ có khoảng 1.600 căn trong khi con số này ở Hà Nội là 16.000 căn, mức chênh lệch quá lớn với một đô thị đứng đầu cả nước về dân số.
Giá tăng mạnh qua các quý
Tình trạng hạn chế nguồn hàng đang khiến giao dịch và giá bán loại hình nhà gắn với đất tại TP.HCM liên tục biến động tăng qua các quý. Ghi nhận từ Batdongsan.com.vn cho thấy, tỷ lệ hấp thụ của các dự án mới đều đạt hơn 90% tổng số căn chào bán. Nhiều dự án đã tiêu thụ hết rổ hàng ngay trong đợt mở bán đầu tiên.
Tính chung cho toàn thị trường, tỷ lệ bán lũy kế đã gia tăng đáng kể lên mức gần 98% trong 4 tháng đầu năm. Lượng hàng tồn sụt giảm mạnh trong khi nguồn cung mới chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu đã đẩy giá bán thứ cấp tiếp tục tăng. Cụ thể, giá bán biệt thự và nhà phố xây sẵn tăng lần lượt 12% và 16% so với quý trước, 32% so với cùng kỳ năm trước.
Khu Đông có giá nhà đất tăng mạnh nhất, trong đó quận 2 hiện có giá giao dịch thứ cấp nhà phố/biệt thự vào khoảng 15-25 tỷ/căn thay vì mức 10-22 tỷ/căn thời điểm quý 4/2018. Nhà phố thương mại tại khu vực này rao bán giá đến 25-70 tỷ/căn, tăng gần 50-60% so với giá chào bán cùng thời điểm năm 2018. Khu vực quận 12, Hóc Môn giá nhà phố/biệt thự hiện vào khoảng từ 80-120 triệu/m2, tăng từ 30-40% so với giá bán năm 2018. Quận Gò Vấp có giá 120-170 triệu/m2. Khu vực Hiệp Bình Phước, Thủ Đức có giá nhà phố/biệt thự biến động mạnh với mức từ 130-150 triệu/m2.
Theo số liệu từ HoREA, năm 2017 và 2018, lượng hàng của phân khúc nhà phố, biệt thự luôn ở mức trên 5.000 sản phẩn, nhưng bước vào năm 2019 đã sụt giảm lớn khi chưa đạt đến 1.000 sản phẩm trong 5 tháng đầu năm. Nếu không có những chuyển biến tích cực từ việc cải thiện quy trình pháp lý, tăng trưởng nguồn cung mới của thị trường trong giai đoạn còn lại của năm 2019 sẽ duy trì ở mức thấp, chỉ dưới 5% mỗi quý. Thị trường sơ cấp thiếu hụt nguồn cung mới sẽ đưa tỷ lệ bán luôn đạt mức trên 80% và giá mở bán dự đoán sẽ tăng ít nhất 4-5% sau mỗi giai đoạn.
Khan hiếm quỹ đất, pháp lý chậm trễ khiến TP.HCM không còn là thị trường nhà phố/biệt thự xây sẵn sôi động nhất khu vực phía Nam. Giới đầu tư và người mua dần chuyển hướng về các khu vực vùng ven và ráp gianh với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An, nơi đang được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông kết nối tốt cùng mặt bằng giá bán tương đối rẻ và nguồn cung sản phẩm đa dạng hơn TP.HCM.
Tình trạng khan hiếm sản phẩm dự báo sẽ được cải thiện khi vào quý 3/2019, khi dự án Vin City có thể ra hàng. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã đồng ý “phá băng” cho 124 dự án bất động sản, trong đó có dòng sản phẩm biệt thự, nhà phố. Những diễn biến mới này sẽ tạo đà cho phân khúc nhà đất liền thổ tăng mạnh nguồn cung trong các quý tới.
(Enternews.vn)