Hiện nay, pháp lý còn lấn cấn về loại hình condotel, chưa định hình rõ là bất động sản để ở hay kinh doanh...
Dù bất động sản nghỉ dưỡng đang có dư địa lớn để phát triển nhưng vẫn còn không ít rào cản. Trong đó, nổi cộm là vấn đề pháp lý đối với loại hình condotel chưa rõ ràng và còn nhiều tranh cãi.
Sau thời gian bùng nổ, hơn 1 năm trở lại đây, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chững lại hẳn, lượng giao dịch căn hộ du lịch (condotel) giảm mạnh. Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nguyên nhân cơ bản là những vướng mắc về pháp lý cho các sản phẩm condotel chưa được tháo gỡ, gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro trong kinh doanh
"Với nhà đầu tư, sự chưa rõ ràng về pháp lý đối với các loại hình này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro trong kinh doanh. Ngoài ra, vấn đề làm thế nào để quản lý, khai thác vận hành dự án bất động sản du lịch một cách hiệu quả và bền vững cũng là những băn khoăn lớn", ông Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, cho biết.
"Hiện nay, pháp lý còn lấn cấn về loại hình condotel, chưa định hình rõ là bất động sản để ở hay kinh doanh: trong những ngày tôi đến ở thì là nhà của tôi, nhưng thời gian còn lại đem đi kinh doanh thì không phải là nhà ở", Chuyên gia Tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.
Theo ông Hiếu, condotel là bất động sản kinh doanh. Do đó, tất cả các luật về đất, thuế cần xem đây là bất động sản kinh doanh. Ông cũng kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nhanh chóng giải quyết vấn đề pháp lý còn lấn cấn để ngân hàng yên tâm khi nhận thế chấp, người mua nhà an tâm về quyền sở hữu. Hiện nay một số địa phương đã cấp sổ cho condotel, nhưng tương lai như thế nào thì không ai rõ.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để thúc đẩy thị trường condotel phát triển tương xứng với tiềm năng, cần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý theo hướng cấp sổ đỏ cho loại hình bất động sản này. Tuy nhiên, nhiều người lại khẳng định, việc cấp sổ đỏ cho các căn hộ condotel ở một số địa phương hiện nay là không đúng.
Bởi Điều 10, Luật Đất đai 2013 đã phân loại đất căn cứ vào mục đích sử dụng. Condotel được xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ, vì vậy, nếu cấp sổ với mục đích sử dụng là đất ở cho các căn hộ này thì sẽ dẫn đến xung đột trong quy định pháp luật. Hơn nữa, tại Khoản 3, Điều 126 Luật Đất đai về thời hạn giao đất có quy định, cho thuê đất đối với các tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư là không quá 50 năm và được gia hạn thêm. Như vậy, có nghĩa, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, condotel thuộc đối tượng được sử dụng đất có thời hạn, theo dự án.
Về điều này, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), phân tích: trong giai đoạn bùng nổ bất động sản nghỉ dưỡng, các địa phương có nhiều quan điểm khác nhau và cách hành xử khác nhau về condotel. Các chủ đầu tư cũng hiểu khác nhau nên đã đưa ra nhiều cam kết bán hàng khác nhau. Nhưng sau 1/1/2018, Luật du lịch đã xác định condotel không phải là nhà ở.
Mới đây, thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, trong đó, yêu cầu Bộ Xây dựng phải bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở chung cư, công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel)...
Hiện, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để sửa đổi các quy định Thông tư 02/2016/TT-BXD về quy chế quản lý sử dụng Nhà chung cư; các quy chuẩn về xây dựng; quy chế quản lý kinh doanh condotel; officetel… Ông Khởi khẳng định, condotel là căn hộ du lịch chứ không phải là nhà ở.
"Không cần sáng tạo thêm bánh xe"
Trong khi đó, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường lại kiến nghị không coi condotel, officetel hay shophouse... là những loại hình bất động sản mới và luống cuống vì những cái tên mới đặt. Vấn đề không phải là tên gọi nào mà phải tập trung vào công năng gì để quyết định chế độ sử dụng đất cho phù hợp.
"Đây là những bất động sản đa công năng. Không có gì mới khi tất cả các nhà mặt phố ở Việt Nam đều là nhà ở nhưng cũng là cửa hàng. Chế độ sử dụng đất là đất ở được sử dụng lâu dài, công năng cửa hàng được coi là phụ. Nếu có hoạt động kinh doanh tại cửa hàng, thì thu các loại thuế liên quan đến kinh doanh", ông Võ nói.
Cũng theo ông Võ, vấn đề là với bất động sản đa công năng đang có sự áp dụng pháp luật rất khác nhau tại các địa phương khác nhau. Khi pháp luật mà áp dụng được nhiều cách thì sẽ dẫn tới hai hệ quả. Thứ nhất thiếu bình đẳng và công bằng trước công lý. Thứ hai là nguy cơ tham nhũng. Như vậy, công tác trọng tâm về hoàn thiện khung pháp luật ở đây là sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 theo hướng thừa nhận và quản lý kinh doanh các bất động sản đa công năng vào mục đích du lịch và sửa đổi Luật Đất đai 2013 theo hướng quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với các bất động sản đa công năng.
Trong đó, cho phép chủ đầu tư dự án được quyền lựa chọn mục đích sử dụng đất chính: Sử dụng đất ổn định lâu dài thì giá đất cao; thuê đất 50 năm thì giá đất thấp hơn. Còn câu chuyện quản lý đối với các bất động sản đa công năng thực sự rất đơn giản. Cái chính là phải chính thức thừa nhận khái niệm "bất động sản đa công năng" này trong pháp luật và có cách hướng dẫn áp dụng khung pháp luật hiện hành", ông Võ nhấn mạnh.
Còn ông Luis Mesquita de Melo, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Pháp chế Asian Coast Development Ltd thì nhận định, không thể có khái niệm về khu nghỉ dưỡng thích hợp nếu không có hệ thống pháp lý, khung pháp lý rõ ràng.
Theo ông này, condotel chỉ là 1 trong rất nhiều mô hình bất động sản, tương tự như time sharing. Muốn thành công, Việt Nam phải có khung pháp lý hoàn chỉnh để vận hành. Không cần sáng tạo ra bánh xe nữa, chỉ cần xem xét các thị trường khác đã từng trải qua điều này để học hỏi, ứng dụng.
(Vneconomy)