(HNM) - Hiện nay, hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản đang được điều tiết bởi Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư… Tuy nhiên, nhiều quy định trong các luật đang bộc lộ sự chồng chéo, vướng mắc, bất cập làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đơn cử là việc chủ đầu tư dự án khu đô thị mới phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở. Nhưng đồng thời cũng phải làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị (thực hiện Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị).
Nhiều doanh nghiệp đã phản ánh, xét về yêu cầu, nội dung hồ sơ, 2 thủ tục này gần như giống nhau, trong khi doanh nghiệp mất thêm thời gian, chi phí thực hiện. Điều này gây phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư.
Từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh. Con số này cần được hiểu không chỉ là cắt giảm về số lượng thủ tục hành chính mà còn phải cắt giảm về mặt thời gian triển khai thủ tục. Bởi thực tế, như ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn cầu phản ánh, nhiều nơi mới cắt giảm về số lượng thủ tục, nhưng thời gian thực hiện sau khi đã cắt giảm thì không thay đổi, thậm chí có trường hợp còn kéo dài hơn.
Do vậy, để giải quyết vấn đề này cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương từ khâu soạn thảo quy định. Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử là để góp phần công khai, minh bạch quy trình xử lý thủ tục hành chính, nhưng chỉ đạt hiệu quả nếu kết hợp với gỡ bỏ những chồng chéo, bất cập.
Bất động sản là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, có ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác. Vì vậy cải cách hành chính, rút gọn thủ tục, trong đó có những bất cập chồng chéo từ quy định là giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hướng tới phát triển thị trường bất động sản Việt Nam lành mạnh, bền vững.