(HNM) - Trên cơ sở ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, nhiều chính sách kích cầu bất động sản trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp đã được Chính phủ và các bộ, ngành ban hành. Song thực tế cho thấy, thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn, cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ để cung - cầu gặp nhau.
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các hiệp hội liên quan đã tổ chức nhiều cuộc trao đổi, nghe hiến kế ở quy mô lớn để thu thập ý kiến của các doanh nghiệp, doanh nhân, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai. Gần đây nhất, trên cơ sở ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28-2-2020, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, trong đó có nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến thủ tục lựa chọn nhà đầu tư sử dụng đất đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, nhằm tăng “sức khỏe” cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, mở rộng thị trường, Chính phủ đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như: Giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19; đưa ra 2 nhóm giải pháp cấp bách trước mắt và lâu dài nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó: Cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội; khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp (căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2).
Bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh cho rằng, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP đã thống nhất cách hiểu về việc giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án có sử dụng đất, giúp các doanh nghiệp bất động sản "thở phào nhẹ nhõm". So với quy định trước đây, trình tự, thủ tục cũng như trách nhiệm của nhà đầu tư trúng đấu thầu, bên mời thầu và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc giải phóng mặt bằng và giao đất, cho thuê đất rõ ràng hơn rất nhiều. Điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp bất động sản.
Với góc độ người tiêu dùng, anh Đoàn Chí Kiên ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Việc Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho người có nhu cầu mua nhà đã giúp vợ chồng tôi vay được tiền mua nhà, chấm dứt chuỗi ngày ở nhà trọ vất vả”.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay, thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Một số doanh nghiệp yếu về tài chính không có nguồn thu để trả lương cho người lao động và thanh toán các nghĩa vụ tài chính. Nhà ở thương mại bắt đầu có giao dịch nhưng tỷ lệ thành công không nhiều.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Sinh, hoàn thiện thể chế tiếp tục là ưu tiên số 1. Với hướng đi này, Bộ Xây dựng đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hình thức liên thông, cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết, hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư, xây dựng các dự án bất động sản.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, thời gian qua, nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án bất động sản chưa đa dạng và bền vững, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng. Vì vậy, phải tiếp tục đẩy mạnh việc thực thi các giải pháp kích cầu. Đó có thể là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng trong thời gian có dịch Covid-19; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và 50% thuế giá trị gia tăng trong thời hạn 1 năm sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, giúp các chủ đầu tư có thêm cơ hội giảm chi phí, giải phóng lượng hàng tồn kho, từ đó giúp có thêm nguồn vốn phục vụ cho đầu tư bất động sản và cung - cầu dễ gặp nhau hơn.