TPO ngày 28.7 đưa tin Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải vừa chủ trì buổi làm việc với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 và giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh một số kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019, tại buổi làm việc, Giám đốc Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã nêu ra nhiều khó khăn trong triển khai nhiệm vụ.
Chẳng hạn như: Khối lượng nguồn việc năm 2019 và những năm tiếp theo sẽ giảm đi do sau 8 năm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch đô thị vệ tinh, quy hoạch chuyên ngành... đã cơ bản hoàn thành, trong khi công tác ký kết, lập quy hoạch với các chủ đầu tư nhiều dự án phải tạm dừng để chờ chủ trương hoặc quy hoạch cấp trên phê duyệt, nhất là nhóm cải tạo chung cư cũ và các dự án BT; việc chưa có hướng dẫn cụ thể về tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư dẫn đến thời gian và chi phí triển khai công tác lập quy hoạch bị ảnh hưởng; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, còn tình trạng chảy máu chất xám...
Về thông tin Viện khó tiếp cận các quy hoạch chuyên ngành bởi, đồ án quy hoạch chuyên ngành do chính ngành chủ quản thực hiện và quản lý..., Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng, thời gian qua đã yêu cầu các sở ngành thành phố chia sẻ dữ liệu chuyên ngành.
Đặc biệt, về lĩnh vực đất đai được rất nhiều người dân và doanh nghiệp quan tâm nên TP chỉ đạo Sở TN-MT sớm hoàn thành quy hoạch chuyên ngành về đất đai, hạ tầng đô thị, qua đó phối hợp với Viện cập nhật để dùng chung.
Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, công tác quy hoạch phải đi trước một bước và cần phải ổn định. Do vậy, Viện cần nâng cao chất lượng của các đồ án quy hoạch để hạn chế sai số ở mức thấp nhất khi đưa quy hoạch vào thực tế, đồng thời đưa ra quy trình giám sát chất lượng quy hoạch...
Khi có đồ án quy hoạch tốt thì cần thiết xây dựng lộ trình để công khai quy hoạch, tạo thuận lợi cho việc theo dõi của người dân, coi đây như một biện pháp cải cách hành chính, để người dân tham gia đóng góp ý kiến; đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính về quy hoạch qua mạng Internet.
"Ít nhất cũng đưa được file ảnh của khu quy hoạch lên trung tâm hành chính công của mỗi quận, huyện để người dân có thể lấy thông tin quy hoạch qua mạng Internet, tránh việc người dân bị bất ngờ về quy hoạch do thiếu thông tin trước khi công khai. Khi người dân tiếp cận được thông tin quy hoạch trên mạng sẽ đỡ phức tạp cho chính quyền trong quá trình quản lý xây dựng trên địa bàn", TPO dẫn lại lời Bí thư Hà Nội.
Liên quan đến vấn đề phát triển đô thị ở Hà Nội, tại một sự kiện mới đây, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, tốc độ đô thị hóa của Hà Nội tăng nhanh. Hiện nay, đô thị hóa của TP mới đạt 53%, hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 phấn đấu Hà Nội có tỷ lệ đô thị hóa sẽ đạt từ 70-75%.
Nhà siêu mỏng, siêu méo là "đặc sản" của Hà Nội?
Cứ mỗi khi có con đường mới mở ra thì những ngôi nhà với kiến trúc kỳ quặc lại xuất hiện nhan nhản do người dân xây trên những ô đất đã bị cắt xén, biến dạng.
Chẳng hạn, sau dự án mở rộng được đầu tư hơn 3.100 tỉ đồng, hai bên đường Phạm Văn Đồng mọc lên một loạt những ngôi nhà với kiến trúc siêu mỏng, siêu méo. Đơn cử là một ngôi nhà 5 tầng "siêu mỏng" trên đường Phạm Văn Đồng có chiều rộng chỉ hơn 1m nhưng chiều dài lại lên tới hàng chục mét. Ở một số con đường khác, tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo cũng xuất hiện rất nhiều, như đường Võ Chí Công có không ít những ngôi nhà mang hình dáng kỳ lạ...
Hầu hết chủ các ngôi nhà thừa nhận rằng sau khi giao một phần đất cho Nhà nước để mở rộng đường thì còn bao nhiêu đất cứ xây lên, có méo mó cũng phải chấp nhận.
Theo thông tin từ Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn TP còn 168 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (siêu mỏng, siêu méo) chưa được giải quyết dứt điểm. Trong đó, 105 trường hợp phát sinh trước năm 2005, 42 trường hợp phát sinh giai đoạn 2005 - 2017 và các dự án mở đường năm 2018 làm phát sinh 21 trường hợp.
A.T.T