Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2006.
Miệt mài vì tương lai của trẻ khuyết tật
Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Hàn đóng trên địa bàn thôn Yên Thái, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Tp Hà Nội với tổng diện tích gần 20.000 m2. Trung tâm có chức năng nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng và hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trung tâm hiện có 44 biên chế với 3 phòng chức năng: Tổ chức hành chính, Y tế - Phục hồi chức năng, Giáo dục và Hướng nghiệp - Dạy nghề. Đội ngũ cán bộ được đào tạo từ nhiều chuyên ngành khác nhau như giáo dục đặc biệt, bác sỹ, tâm lý, công tác xã hội, luật…
Một số hoạt động ở Trung tâm phục hồi chức năng Việt - Hàn
Trao đổi với phóng viên Báo Gia Đình Việt Nam, ông Lê Kim Cam, Giám đốc Trung tâm cho biết: 12 năm qua Trung tâm đã tiếp nhận vào tham gia các chương trình phục hồi chức năng cho 545 trẻ em đã giúp cho 421 trẻ tái hoà nhập cộng đồng. Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho 124 trẻ khuyết tật ở 4 dạng tật: vận động, khuyết tật trí tuệ, khiếm thính và tự kỷ.
Tìm hiểu và trao đổi với cán bộ, giáo viên ở Trung tâm chúng tôi được biết, trẻ khuyết tật vào đây được chăm sóc đầy đủ chế độ dinh dưỡng, ăn ngủ tốt, được tham gia các hoạt động vui chơi thể dục thể thao nên phát triển thể chất, khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ. Trung tâm có đội ngũ bác sĩ, y sĩ chuyên trách về điều trị, chăm sóc sức khỏe cho trẻ khuyết tật. Sức khỏe của từng trẻ khuyết tật được theo dõi và cập nhật thường xuyên.
Giờ học chữ của trẻ khuyết tật ở Trung tâm phục hồi chức năng Việt- Hàn
Nhằm giáo dục các kỹ năng nhận thức, kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, giao tiếp, trẻ khuyết tật ở đây thường xuyên được tham gia hoạt động ngoại khóa, thực hành... giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, giao tiếp, thể chất và tâm lý, đặc biệt rèn luyện kỹ năng sống, khả năng tương tác xã hội và cải thiện hành vi.
Với nội dung giảng dạy và phương pháp truyền đạt kiến thức trực quan, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng trẻ khuyết tật, liên tục từ năm 2011 đến nay học sinh của Trung tâm đã tham gia nhiều cuộc thi và giành giải, trong đó có cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin toàn cầu dành cho thanh thiếu niên khuyết tật” đã đoạt được nhiều giải cao. Học sinh của Trung tâm đã giành huy chương Vàng, huy chương đồng trong phần thi tin học văn phòng, tìm kiếm thông tin trên internet.
Trẻ khuyết tật tham gia lao động qua việc đóng gói tăm tre, khăn giấy
Có thể nói, 90% trẻ khuyết tật vào Trung tâm đều có sự cải thiện rõ rệt về hành vi, cân bằng giác quan, học được kỹ năng xã hội như tương tác với người khác, biết xử lý một số tình huống đơn giản, biết sử dụng ngôn ngữ lời nói và cử chỉ để diễn đạt nhu cầu của bản thân, có được các kỹ năng tự phục vụ bản thân, biết đọc, viết, tính toán và đặc biệt một số trẻ lớn đã hoàn thành chương trình nghề, có thể hoạt động độc lập chỉ cần sự giám sát, có hành vi giới tính và kỹ năng xã hội phù hợp.
9 tháng đầu năm 2018, Trung tâm đã tiếp nhận 21 trẻ mới tham gia chương trình phục hồi chức năng, đã giúp cho 20 trẻ đã có kỹ năng cơ bản để hoà nhập cộng đồng, hỗ trợ cho một trẻ theo học chương trình giáo dục hòa nhập.
Chuẩn bị bữa ăn, dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi sự miệt mài, sự tâm huyết và trí tuệ của CBGV Trung tâm phục hồi chức năng Việt- Hàn
Cùng với việc giáo dục trẻ khuyết tật trong Trung tâm, nhiều năm qua, Trung tâm đã triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên hầu hết các huyện, quận, thị xã thuộc thành phố Hà Nội, cung cấp tài liệu, dụng cụ chỉnh hình, đồ dùng can thiệp miễn phí cho các đối tượng, tổ chức hội thảo tập huấn kiến thức, kỹ năng cho các cán bộ trạm y tế, giáo viên mầm non, cán bộ lao động thương binh – xã hội, cha mẹ trẻ khuyết tật.
Đã khám sàng lọc được 1.195 trẻ có nghi ngờ rối loạn phát triển trong tổng số 62.944 trẻ được phỏng vấn; Tư vấn cho 549 trẻ khuyết tật và gia đình; Tập huấn, hướng dẫn các kỹ thuật và phương pháp phục hồi chức năng tại nhà cho 361 cha mẹ trẻ khuyết tật; Tập huấn kiến thức về phát hiện sớm, can thiệp sớm cho 1.500 lượt cán bộ cơ sở…
Giúp trẻ khuyết tật phục hồi chức năng thông qua các bài tập vận động
Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đã được địa phương ghi nhận, thu hút đông các thành phần liên quan tại địa phương tham gia, qua các buổi tập huấn đã giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật, nhiều trẻ khuyết tật được phát hiện sớm và can thiệp sớm, ngăn ngừa, giảm thiểu ảnh hưởng của khuyết tật, tăng khả năng phục hồi ở trẻ, giảm gánh nặng cho cho gia đình và xã hội.
Giờ học hướng nghiệp của trẻ khuyết tật
Rối việc dạy giới tính cho trẻ khuyết tật
Thiếu giáo viên chuyên trách, ít tài liệu, hạn chế cách thức truyền đạt… là những khó khăn nan giải trong việc giáo dục giới tính cho trẻ khuyết tật ở tất cả các trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, trong đó có Trung tâm Việt- Hàn.
Các em khuyết tật cần được trang bị kiến thức về giới tính như biết mình là ai, mình làm được gì, cần làm gì khi đến tuổi dậy thì… Nhưng để các em hiểu được điều đó là điều rất khó. Chúng tôi đã nghe cô N giáo viên ở Trung tâm phục hồi chức năng Việt - Hàn cho biết: Hầu hết trẻ ở đây, trí tuệ chậm phát triển nhưng giới tính phát triển bình thường, thậm chí có cháu còn mạnh mẽ hơn người bình thường cùng độ tuổi. Có cháu chỉ thích cô giáo xinh lên lớp, chỉ nghe lời cô giáo mà cháu thích. Nhiều cháu lên cơn cục tính, sẵn sàng đánh bất cứ thày cô nào, nhưng nếu được cô giáo mà cháu thích dạy bảo thì cháu lại rất ngoan và nghe lời...
Nhiều bé gái đến chu kỳ kinh nguyệt, không biết gọi cô giáo giúp đỡ mà di chuyển sang chỗ khác khi thấy máu dính trên nền nhà. Các em nam không biết nhận thức xấu đẹp, không mặc quần lót, tiểu tiện không đúng nơi, không biết làm vệ sinh sau tiểu tiện… Giờ ngủ trưa, hai em thường lại nằm gần nhau, vạch áo cho nhau xem. Cô giáo phải tìm cách dặn dò nhiều lần nhưng các em chỉ nhớ lúc đó rồi lần sau lại quên và tiếp tục tái diễn.
Học sinh khuyết tật chuẩn bị đồ chơi đón trăng rằm Trung thu
Mỗi dạng tật đều có khó khăn riêng như đối với trẻ khuyết tật phải dùng nhiều ký hiệu ngôn ngữ, trẻ chậm phát triển phải nói nhiều lần các em mới hiểu, trẻ khiếm thị phải dùng hiện vật cho các em tiếp xúc… Vì vậy, dạy giới tính cho trẻ khuyết tật, đòi hỏi giáo viên phải rất kiên nhẫn mới theo nghề được.
Để học sinh khuyết tật hiểu được về giới tính, cần dạy lặp đi lặp lại nhiều lần. Giáo viên phải dùng những cử chỉ, tình huống thật nhẹ nhàng, đơn giản để giáo dục giới tính cho các em. Trẻ khuyết tật nhưng tâm sinh lý của các em vẫn khá giống với trẻ bình thường, thậm chí có những biểu hiện về giới tính rất mãnh liệt. Trẻ hay sờ mó những vùng nhạy cảm của bản thân, người khác... Những trẻ này thường bị hấp dẫn bởi giới tính, biểu hiện qua việc thích ngồi gần, thích ngủ chung với người khác phái.
Gặp những tình huống như vậy, với những trẻ có thể hiểu được, chúng tôi giải thích, hướng dẫn, dành thời gian lắng nghe tâm sự của trẻ. Đối với những trẻ chậm phát triển vừa hoặc nặng, chúng tôi theo dõi cách ly trẻ, ngăn cấm trẻ khi có biểu hiện quá mức.
Quá trình giáo dục cần lặp đi lặp lại nhiều lần… Bởi trẻ khuyết tật sẵn sàng thủ dâm ngay trước mặt người khác, đó là bình thường, là bản năng nhưng trẻ không nhận biết được, dạy giới tính cho trẻ khuyết tật, cho đến lúc này vẫn là bài toán khó - Cô giáo N chia sẻ.
Null