Để quản lý, bảo tồn rừng ba kích tím tự nhiên trong lâm phận rừng phòng hộ Đắk Mi (huyện Phước Sơn) vừa phát hiện năm 2018, các ngành chức năng tỉnh đã giao Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mi cùng huyện Phước Sơn xác lập vị trí, diện tích khu vực cây dược liệu ba kích tím dưới tán rừng tự nhiên để bảo tồn.
Đầu năm 2018, trong lúc đi rừng một người dân xã Phước Kim phát hiện quần thể ba kích tím tự nhiên dưới tán rừng ở đầu nguồn thủy điện Đắk Mi (xã Phước Kim, huyện Phước Sơn), liền báo cho cơ quan chức năng.
Qua kiểm tra sơ bộ, ngành chức năng của huyện xác định rừng ba kích tím tự nhiên có diện tích hơn 1.000ha và đưa vào quản lý nghiêm ngặt.
Việc phát hiện quần thể ba kích tím tự nhiên này đã mở ra cơ hội thu hút đầu tư, phát triển và bảo tồn cây dược liệu quý; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi phát triển cây dươc liệu của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân bản địa.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn cho biết, huyện đã đưa vào quy hoạch, bảo tồn hơn 2.000ha cây dược liệu tại khu rừng ba kích tự nhiên trong lâm phận phòng hộ Đắk Mi.
“Nếu làm tốt công tác bảo tồn và bảo vệ nguồn ren ba kích gốc sẽ góp phần nhân giống cây dược liệu cho người dân sản xuất, đồng thời bảo tồn được vườn dược liệu sẽ gắn với bảo vệ rừng” – ông Thanh nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, vừa qua đã đi kiểm tra khu vực rừng ba kích tím tự nhiên ở Phước Sơn, theo đó, mật độ ba kích phân bố không đều và tùy thuộc vào tự nhiên phát tán ra. Tuy nhiên, cây ba kích tím tự nhiên thích nghi với thảm thực vật ở khu vực rừng phòng hộ Đắk Mi từ đó có thể nhân rộng và triển khai ở những nơi tượng tự.
Hiện nay, UBND tỉnh đã giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mi – đơn vị chủ rừng rà soát, phối hợp với UBND huyện Phước Sơn báo cáo đề xuất UBND tỉnh đưa khu vực ba kích tím tự nhiên vào bảo tồn gen tự nhiên và xác lập khu bảo tồn tự nhiên.
“Trên cơ sở bảo tồn tự nhiên sẽ tiếp tục nhân giống để trồng bổ sung, tạo giống chuyển cho người dân trồng. Nhưng ưu tiên trước là chuyển cho các ban quản lý rừng có điều tự nhiên tương tự như Đắk Mi để trồng vì cây sâm ba kích tự nhiên thích nghi được ở khu vực đó thì sẽ thích nghi được ở chỗ có cùng độ cao, độ rậm như thế.
Ngoài việc trồng sâm sẽ kết hợp bảo vệ rừng. Tuy nhiên phải xác định, khoanh lại khu vực nào có thể đưa vào quản lý, phải xác lập khu bảo tồn nghiêm ngặt, bổ sung thêm chốt bảo vệ…” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Bảo tồn rừng, Quảng Nam