Thực tế, Luật Đấu thầu 2013 và các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan đi vào thực thi đã tạo ra khung khổ pháp lý khá đầy đủ về công tác đấu thầu, có thể nói là tiệm cận với quy định của thế giới. Thậm chí, có nhiều điểm còn tiến bộ hơn, như về mặt thời gian rút ngắn hơn so với các quy định của các tổ chức quốc tế. Nhờ vậy, công tác đấu thầu trong nước thời gian qua đã từng bước chuyển đổi theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, quan trọng nhất là đã tăng cường được tính hiệu quả trong mua sắm công.
Khung pháp lý rõ ràng ngăn chặn tiêu cực trong đấu thầu (Ảnh: Báo Đầu tư)
Các yếu tố tạo nên sự minh bạch hiểu một cách đơn giản theo nghĩa đen là “sáng rõ”. Nghĩa của khái niệm “sáng rõ” này bao trùm mọi khía cạnh của công tác đấu thầu. Chẳng hạn, trong các văn bản quy phạm pháp luật, thì chữ nghĩa phải dễ hiểu, rõ ràng, không mập mờ, gây hiểu lầm; trong quy trình đấu thầu thì cần công khai, minh bạch trong tất cả các khâu, từ thiết kế gói thầu, mời thầu, chấm thầu, thông báo kết quả đấu thầu... Theo quy định hiện hành, thông tin về gói thầu phải đăng tải công khai trên phương tiện truyền thông và hệ thống thông tin đấu thầu quốc gia.... Một yếu tố nữa khá quan trọng đó là công tác đấu thầu đang chuyển dần từ đấu thầu truyền thống (hồ sơ giấy tờ, tiếp xúc trực tiếp giữa bên mời thầu/chủ đầu tư với nhà thầu), sang đấu thầu qua mạng (hầu hết mọi công đoạn đều diễn ra trực tuyến, trên môi trường Internet, hạn chế tối đa sự tiếp xúc con người với con người). Đây có thể coi là bước tiến lớn trong việc tăng tính công khai minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
Đấu thầu qua mạng là việc áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đấu thầu, công khai thông tin trên Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với các nhà thầu.
Kinh nghiệm đấu thầu trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, đấu thầu qua mạng là công cụ hữu hiệu nhất để tăng cường hiệu quả mua sắm công của chính phủ, thể hiện ở các chỉ tiêu như tăng tính cạnh tranh, tỷ lệ tiết kiệm cao, giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí đi lại, chi phí in ấn của nhà thầu, bên mời thầu.
Việc xây dựng Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia cũng góp phần quản lý thống nhất thông tin về đấu thầu trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu nâng cao khả năng giám sát, thống kê hiệu quả công tác đấu thầu.
Thời gian qua, có thể thấy, việc triển khai đấu thầu qua mạng đã có nhiều tín hiệu khả quan, số lượng gói thầu áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu qua mạng tăng lên nhanh chóng theo từng năm.
Thông tin rõ ràng, công khai, chế tài xử phạt nghiêm góp phần hạn chế tiêu cực
(Ảnh: PV)
Trong tương lai không xa, kết quả lựa chọn nhà thầu, kết quả thực hiện hợp đồng của các gói thầu sẽ được công khai chi tiết hơn; năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cũng như lịch sử tham gia đấu thầu và quá trình thực hiện hợp đồng của nhà thầu sẽ được thống kê, công bố công khai và uy tín của nhà thầu sẽ được đánh giá bởi các bên liên quan như chủ đầu tư, người dân khu vực thực hiện dự án, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng, Hiệp hội Nhà thầu tư vấn xây dựng...
Hoạt động đấu thầu đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động chi tiêu công, nhưng vẫn không tránh khỏi những hạn chế, bất cập. Trước hết, phải khẳng định là có những hiện tượng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nổi bật là yếu tố con người (trong quá trình thực thi) do khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện.
Để giải quyết những vấn đề này, được sự phê duyệt của Lãnh đạo Bộ, Cục Quản lý Đấu thầu đang quyết liệt và nghiêm túc triển khai việc thi và cấp Chứng chỉ hành nghề đấu thầu. Điều này sẽ giúp nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng của chủ đầu tư, bên mời thầu, hạn chế tình trạng hoàn toàn phụ thuộc và tư vấn đấu thầu, dẫn tới những sai phạm trong công tác đấu thầu.
Mặt khác, Cục cũng đang không ngừng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tạo một môi trường pháp lý đầy đủ, minh bạch và công bằng cho tất cả mọi người. Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Chính phủ có biện pháp mạnh mẽ nhằm thúc đẩy thực hiện các gói thầu mua sắm công theo hình thức đấu thầu qua mạng, điều này chắc chắn sẽ giúp giảm tiêu cực, góp phần chấm dứt vấn nạn “quân xanh, quân đỏ” hay cài cắm các điều khoản hạn chế sự tham gia của bên ứng thầu.
Thực tế cho thấy, nếu người đứng đầu các cơ quan quan tâm chỉ đạo sát sao và công tâm, khách quan, không tạo cơ chế cho các nhà thầu “ruột” thì hiện tượng thông thầu, dàn xếp sẽ bị đẩy lùi.
Cục Quản lý Đấu thầu đang khẩn trương xây dựng Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 07/TTLT-BKHĐT-BTC, trong đó sẽ đưa ra các quy định mạnh mẽ để công khai thông tin trong đấu thầu và đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, cụ thể: Công khai tất cả các hồ sơ mời thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; quy định đấu thầu qua mạng 100% các gói thầu theo hạn mức quy định. Thông qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, toàn xã hội có cơ hội giám sát được quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong đấu thầu./.