Moitruong.net.vn
– Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo đến năm 2025, thế giới sẽ giảm hơn 27 triệu người hút thuốc lá, bao gồm cả nam giới và nữ giới.
Năm 2020, WHO dự báo thế giới sẽ giảm 10 triệu người hút thuốc lá, bao gồm cả nam giới và nữ giới, so với năm 2018; giảm hơn 27 triệu người vào năm 2025, tương đương 1,299 tỷ người, khoảng 60% quốc gia giảm tình trạng hút thuốc lá kể từ năm 2010.
Đạt được kết quả này là do ngày càng nhiều quốc gia thực hiện tổng thể các biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả, mà một trong những biện pháp hữu hiệu nhất là áp thuế thuốc lá. Nói cách khác, thuế thuốc lá không chỉ giúp giảm tiêu thụ thuốc lá, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, còn cung cấp nguồn thu để tăng cường tài chính cho sự phát triển ở nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, tiến trình đáp ứng mục tiêu toàn cầu các quốc gia đặt ra là giảm hút thuốc lá 30% vào năm 2025 có nhiều khả năng khó đạt thành, bởi với tốc độ giảm như hiện tại, nhiều khả năng tỷ lệ này chỉ ở khoảng 23% vào năm 2025.
Mỗi năm, thế giới có hơn 08 triệu ca tử vong do hút thuốc lá, tỷ lệ xấp xỉ một nửa số người dùng. Trong đó, hơn 07 triệu trường hợp tử vong do hút thuốc trực tiếp và 1,2 triệu trường hợp do hút thuốc thụ động. Hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến thuốc lá xảy ra ở quốc gia thu nhập thấp và trung bình – vốn là thị trường tiềm năng, thị trường mục tiêu của ngành công nghiệp thuốc lá.
Đến nay đã có 116 trong tổng số 137 quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá điếu giảm kể từ khi thực thi các biện pháp quản lý, giám sát. Trong đó bao gồm ngăn chặn việc hút thuốc lá thụ động, tổ chức các chương trình bỏ thuốc, nâng cao nhận thức về tác hại thuốc lá, giới hạn hoặc cấm việc quảng cáo thuốc lá, các hoạt động thúc đẩy thương mại, tài trợ và tăng thuế trên các sản phẩm thuốc lá.
Thế nhưng, trong báo cáo này không bao gồm các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, hay còn gọi là thuốc lá không khói. Việc sử dụng thuốc lá điện tử cũng như các thiết bị điện tử cung cấp nicotin và các sản phẩm thuốc lá làm nóng trở thành những ẩn số để đặt ra nghi vấn, liệu có phải những người hút thuốc lá truyền thống đã chuyển đổi sang các sản phẩm đó.
Ảnh minh họa
WHO khuyến cáo, một số biện pháp có thể hạn chế tác hại của thuốc lá, bao gồm: Nghiên cứu, xây dựng các chính sách phòng, chống và sử dụng thuốc lá; giải pháp bảo vệ xã hội khỏi khói thuốc lá; cung cấp các giải pháp trợ giúp người hút thuốc cai nghiện thuốc lá; áp dụng tuyên truyền nhiều hình thức để cảnh báo mọi người về tác hại của thuốc lá; thực thi lệnh cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá; tăng thuế đối với thuốc lá.
Tại Việt Nam, hiện thiết lập, duy trì Tổng đài Tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí tại Bệnh viện Bạch Mai (1800-6606), Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.Hồ Chí Minh (1800-1214) và hiện đang có 10 bệnh viên thí điểm triển khai mô hình Phòng Tư vấn Cai nghiện thuốc lá – đây được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc lá, giảm nhẹ gánh nặng bệnh tật, kinh tế – xã hội bởi theo WHO, Việt Nam là 01 trong 15 quốc gia hút thuốc lá nhiều nhất thế giới (tỷ lệ nam giới vẫn ở tuổi trưởng thành hút thuốc lá lên tới trên 45%).
Theo các chuyên gia y tế, đối với các bệnh lý như ung thư, tim mạch, hô hấp, cần có biện pháp theo dõi và đo lường với thời gian từ 5 năm trở lên mới xác định được tính tác động của sản phẩm lên sức khỏe một cách toàn diện.
Chính vì thế mà WHO đã đưa ra các chiến dịch vận động chính phủ các nước trong giai đoạn này cần có chính sách cấm hoặc thắt chặt quản lý đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, tùy vào điều kiện của từng quốc gia.
Nhưng việc thực thi chiến dịch này của WHO cũng đang bị vấp phải những tranh cãi khi các nhà khoa học cho rằng: Với cách làm hiện nay của WHO, liệu có phải vô tình ủng hộ cho việc tiếp tục sử dụng thuốc lá điếu, trong khi xóa bỏ thuốc lá điếu lại chính là chính sách lâu dài, trường kỳ mà WHO đang theo đuổi vì sức khỏe cộng đồng.
Ngọc Linh (t/h)