Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu gom rác thải trên sông, kênh, rạch, đây là một vấn đề mà thành phố đang rất quan tâm. Đối với vấn đề rác thải trên sông, kênh, rạch, thành phố triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải tại nguồn, từng bước chuẩn hóa, nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn, bảo đảm 100% rác thải phát sinh được thu gom, xử lý theo quy định, đặc biệt là đẩy mạnh phân loại chất thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.
Thành phố triển khai các giải pháp giảm thiểu phát sinh chất thải tại nguồn, từng bước chuẩn hóa, nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.
Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An, cho biết thành phố có 101 tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy bao gồm tuyến đường thủy nội địa và tuyến hàng hải (tổng chiều dài hơn 910 km). Tuy nhiên, rác thải, lục bình, rong, cỏ xuất hiện nhiều trên các tuyến sông, kênh, rạch làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông thủy và làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách, du lịch bằng đường thủy.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Hồ Kiên Trung đã chỉ ra rằng việc quản lý rác thải chưa hiệu quả đang tạo ra sức ép lớn đến sức khỏe cộng đồng và môi trường. Theo ông Trung, cả nước hiện nay phát sinh khoảng 68.000 tấn rác mỗi ngày, nhưng chỉ có 88,34% được thu gom và xử lý, phần còn lại gây ô nhiễm nghiêm trọng. Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách nhằm biến chất thải thành tài nguyên và tái chế, dẫn đến việc giảm tỷ lệ chất thải chôn lấp từ 75% xuống còn 62% trong giai đoạn 2020 đến nay. Mặc dù nhận thức của cộng đồng về vấn đề này đã tăng cao và lượng rác thải nhựa ra biển đã giảm, nhưng cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường.
Quản lý rác thải chưa hiệu quả đang tạo ra sức ép lớn đến sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Một tham luận đáng chú ý tại hội thảo chỉ ra rằng việc vớt rác trên kênh, rạch là cần thiết, nhưng việc ngăn chặn rác thải từ nguồn gốc xả thải là cấp bách hơn. Ông Hoàng Thành Vĩnh từ Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc cho rằng lượng nhựa trong rác thu gom ở TP.HCM rất lớn, đặc biệt là bao bì nhựa, cho thấy tình trạng xả rác trực tiếp cần được giải quyết. Ông Vĩnh đề xuất các biện pháp can thiệp từ đầu nguồn xả thải như hạn chế sử dụng nhựa và thiết kế sản phẩm sinh thái, nhằm giảm thiểu công sức và chi phí thu gom rác.
Cuối cùng, ông Vĩnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cộng đồng về việc giảm thiểu sử dụng nhựa và thực hiện đúng quy định về bỏ rác, đặc biệt ở các khu vực ven sông, kênh, rạch. Ông cũng kêu gọi thúc đẩy sử dụng các vật liệu thay thế cho nhựa dùng một lần, đặc biệt là những sản phẩm có nguồn gốc sinh học và dễ phân hủy, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sống tại TP.HCM.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng Ban Khoa học Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam luôn trăn trở về tình trạng ô nhiễm nhựa đang trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Chuyên gia nhấn mạnh “Rác thải nhựa đang làm thay đổi môi trường sống và các quá trình tự nhiên, làm giảm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế cũng như khả năng sản xuất và phúc lợi xã hội. Nếu không có giải pháp mạnh mẽ và kịp thời để khắc phục thì rác nhựa sẽ là thủ phạm ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái đại dương, ô nhiễm đại dương. Chúng ta cần tìm ra giải pháp đánh vào tâm lý nhằm làm thay đổi thói quen của người dân để giảm thiểu lượng rác thải nhựa”.
H.G
Nguồn kinhtemoitruong.vn
Link bài gốchttps://kinhtemoitruong.vn/tphcm-giai-phap-cap-bach-cho-rac-thai-song-rach-93456.html