Ngập lụt sau khi bão Milton đổ bộ Siesta Key, Florida. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Cơ quan Y tế Florida cho biết, tính từ đầu năm đến nay có 74 ca nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus được xác nhận. Trong khi đó, năm 2023 có 46 ca và 11 trường hợp tử vong.
Ngoài ra, Cơ quan Y tế Florida cũng cảnh báo: "Vi khuẩn Vibrio vulnificus, thường xuất hiện trong vùng nước ven biển ấm, có thể gây bệnh khi ăn phải hoặc khi vết thương hở tiếp xúc với nước bị ô nhiễm. Sau những trận mưa lớn và lũ lụt, nồng độ vi khuẩn này có thể tăng lên, đặc biệt là ở môi trường nước lợ và nước mặn”.
Theo cơ quan này, năm 2024, các hạt Citrus, Hernando, Hillsborough, Lee, Pasco, Pinellas và Sarasota đã ghi nhận tình trạng gia tăng bất thường do tác động của bão Helene. Ngoài ra, Florida cũng bị bão Milton tấn công vào ngày 9/10.
Bão Helene đổ bộ vào Đông Nam nước Mỹ đã cướp đi sinh mạng của 246 người. Đây là cơn bão gây thương vong lớn nhất đổ bộ vào Mỹ kể từ bão Katrina năm 2005.
Vibrio vulnificus là loại vi khuẩn tồn tại tự nhiên trong nước biển ấm, nước lợ và cần muối để sinh tồn.
Theo USA Today, Vibrio vulnificus có thể phá hủy da và mô mềm. Để ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng, các bác sĩ có thể phải cắt cụt chi của bệnh nhân bị nhiễm Vibrio vulnificus.
Đây không phải là lần đầu tiên thời tiết khắc nghiệt gây ra đợt bùng phát vi khuẩn Vibrio vulnificus ở Florida. Năm 2022, đã có 74 ca nhiễm và 17 ca tử vong. Giới chức y tế cho rằng các hạt Collier và Lee tại Florida ghi nhận số ca nhiễm Vibrio vulnificus gia tăng bất thường ở thời điểm đó do tác động của bão Ian.
Một số ca nhiễm Vibrio vulnificus dẫn đến viêm cân hoại tử - loại nhiễm trùng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng, thường do vi khuẩn gây ra, dẫn đến hoại tử nhanh chóng ở da, mô dưới da và các lớp mô liên kết sâu gọi là "cân".
Một số chuyên gia đã phản đối việc sử dụng cụm từ "vi khuẩn ăn thịt người" để mô tả nhiễm trùng Vibrio vulnificus nặng. Họ cho rằng loại vi khuẩn này không thể phá hủy da khỏe mạnh và nguyên vẹn ngay cả khi tiếp xúc lâu dài.