Daily Mail đưa tin, đảo rác Thái Bình Dương trải rộng 620.000 dặm vuông, với phần lớn rác thải đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Bãi rác dưới nước được phát hiện lần đầu tiên cách California (Mỹ) 1.200 dặm về phía tây vào năm 1997 và kể từ đó lan rộng khắp đại dương, đe dọa sinh vật biển, đồng thời thải ra các hạt vi nhựa độc hại vào khí quyển.
Bãi rác lớn nhất thế giới nhìn từ trên cao. Ảnh: The Ocean Cleanup.
Tuy nhiên, kể từ năm 2019, tổ chức phi lợi nhuận Ocean Cleanup đã thực hiện sứ mệnh thay đổi điều này thông qua dự án trị giá 189 triệu USD.
"Chúng tôi đang đưa rác thải ra khỏi đại dương khi vẫn có thể thực hiện. Những gì chúng tôi đang làm thực sự là đang ngăn chặn một quả bom hẹn giờ sinh thái", người đứng đầu các vấn đề môi trường và xã hội của tổ chức từ thiện Matthias Egger nói với DailyMail.com.
Egger cho biết “vấn đề lớn nhất” mà rác thải đại dương đặt ra là khi nó bắt đầu phân hủy thành các vi nhựa độc hại.
Ảnh: Daily Mail.
"Chúng nhỏ đến mức có thể đi khắp mọi nơi, xâm nhập vào cá, bay lên không trung, xuống nước và rất khó loại bỏ chúng. Phần lớn oxy chúng ta hít thở đều đến từ đại dương. Các hạt vi nhựa trong không khí cũng dẫn đến biến đổi khí hậu nhanh hơn", Egger cho hay.
Egger cho biết thêm, phần lớn nhựa được loại bỏ khỏi đại dương có thể được tái chế - và Ocean Cleanup đã hợp tác với nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc Kia, công ty sử dụng rác trong hoạt động sản xuất xe điện.
Nguồn kienthuc.net.vn
Link bài gốchttps://kienthuc.net.vn/the-gioi/hinh-anh-hai-hung-ve-bai-rac-lon-nhat-the-gioi-2004236.html