Sáng 10.6, Chính phủ tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử (TMĐT), chống thất thu thuế.
Thương mại điện tử dự kiến đạt 30,5 tỉ USD vào năm 2025
Báo cáo về công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết phát triển TMĐT là một xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0. Hiện nay, TMĐT của Việt Nam là 20,5 tỉ USD và sẽ đạt 30,5 tỉ USD vào năm 2025.
“Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về TMĐT nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Từ đó đặt ra yêu cầu về quản lý thuế, quản lý về chất lượng hàng hóa, chống lừa đảo”, ông Phớc nêu.
Bộ Tài chính cho biết đã áp dụng định danh và xác thực điện tử đối với: cá nhân thực hiện đăng ký kê khai, nộp thuế; dịch vụ chữ ký số, viễn thông, tên miền; cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng; đang triển khai khuyến khích các sàn giao dịch TMĐT áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn.
Về kết quả quản lý thuế với TMĐT, triển khai hóa đơn điện tử, máy khởi tạo tính tiền, Bộ Tài chính đã triển khai áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và đã sử dụng 464,8 triệu hóa đơn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Đối với việc áp dụng hóa đơn điện tử trong lĩnh vực kinh doanh vàng thì 100% các doanh nghiệp (9.419 doanh nghiệp) đã áp dụng hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó có 7.225 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử.
Theo số liệu quản lý thuế đến năm 2024 thì ngành thuế đang quản lý 123.759 người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT, trong đó cá nhân là 88.147, doanh nghiệp bán hàng hóa thông qua sàn giao dịch TMĐT là 35.131, doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT là 361, doanh nghiệp lớn hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng là 24, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam là 96.
Trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT năm 2022 là 83 nghìn tỉ đồng; năm 2023 số thuế đã nộp là 97 nghìn tỉ đồng; 5 tháng đầu năm 2024 số thuế đã nộp trên 50 nghìn tỉ đồng.
Về xây dựng và chia sẻ dữ liệu, hiện nay việc chia sẻ dữ liệu thuế, mã số thuế định danh theo căn cước công dân, đến 3.6.2024 đã đạt 97,57%; Bộ Công Thương đã chia sẻ dữ liệu về 929 sàn giao dịch thương mại điện tử tương ứng với 847 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT và 284 ứng dụng bán hàng trên mạng.
Quản lý hoạt động TMĐT qua mạng xã hội
Bộ Tài chính đề xuất cần kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu TMĐT, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng… để đối chiếu một cách nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, yêu cầu thanh tra kiểm tra.
Ngoài ra, cần rà soát hoàn thiện pháp luật. Các bộ luật liên quan đến TMĐT từ năm 2014, cho nên cần phải rà soát lại các nghị định, thông tư liên quan để sửa; xây dựng cổng thông tin đăng ký kê khai thuế của sàn TMĐT trong nước, đôn đốc kê khai, chọn thanh tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế.
Quản lý hoạt động livestream bán hàng qua mạng xã hội
Tiếp theo là định danh và xác thực điện tử, đồng bộ liên thông dữ liệu thông tin hàng hóa; áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Thanh toán không dùng tiền mặt càng nhiều thì quản lý và thu thuế càng cao.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị sửa đổi Nghị định 117 năm 2018 về giữ bí mật và cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, ngân hàng.
“Quản lý hoạt động TMĐT qua mạng xã hội để thu thuế vì giờ người ta livestream, bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều. Chúng ta phát triển mạng xã hội cùng với việc đối chiếu với ngân hàng thì sẽ thu được nguồn thuế rất lớn”, ông Phớc nêu.
Không được ngủ quên trên chiến thắng
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số ở nước ta trong thời gian qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu
Thủ tướng cho rằng việc triển khai Đề án 06 đã mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, ngành, địa phương và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Đề án 06 đã đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đổi mới phương thức quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được của Đề án 06, Thủ tướng nêu rõ tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, “ngủ quên trong chiến thắng”.
“Cách đây 1 năm, trong quá trình triển khai Đề án 06, chúng ta đã nhận diện nhiều khó khăn, thách thức và “điểm nghẽn” cần phải tập trung tháo gỡ ngay, liên quan đến pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh, an toàn, nguồn nhân lực...”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá một cách thẳng thắn, khách quan, có số liệu minh chứng cụ thể về kết quả thực hiện nhiệm vụ được đề ra tại Văn bản số 452 và Chỉ thị số 18 với tinh thần khách quan, trung thực, “không tô hồng, không bôi đen”; nêu bật những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc; đặc biệt cần phát hiện được nguyên nhân, phân tích rõ các bất cập thì mới xây dựng được giải pháp để hóa giải khó khăn, thách thức…
Nguồn 1thegioi.vn
Link bài gốchttps://1thegioi.vn/bo-truong-bo-tai-chinh-livestream-ban-hang-qua-mang-xa-hoi-rat-nhieu-can-giai-phap-thu-thue-218220.html