Ngoài tỉnh An Giang, đã có 12/13 tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thêm dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào địa bàn với số vốn đăng ký là trên 1,12 tỉ USD. Đặc biệt Dự án của Guizhou Advance Type Investment co.,ltd (Trung Quốc) đầu tư cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn lốp Advance Việt Nam có tổng vốn trên 214 triệu USD phục vụ sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại tỉnh Tiền Giang.
Như vậy, so với cùng kỳ năm 2018, số dự án đầu tư nước ngoài vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng 52 dự án, tuy nhiên vốn đăng ký chỉ bằng khoảng 75%. Trong 9 tháng năm 2019, tính chung cả vốn đăng ký cấp mới, vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào khu vực này là hơn 1,56 tỉ USD. Tính đến hết tháng 9/2019, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 1.662 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 22,63 tỉ USD, chiếm 5,56% về số dự án và 6,32% vốn đăng ký dự án đầu tư nước ngoài cả nước.
Công nhân của Công ty Cổ phần Mỹ Lan tại khu CN Long Đức tỉnh Trà Vinh vận hành thiết bị in. (Ảnh: K.V)
Để tiếp tục thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào khu vực này, những năm qua, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đặc biệt, trong 5 năm vừa qua, tổng ngân sách đầu tư cho khu vực này đã đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế cả nước (khoảng 16,59%). Trong khi đó, ngân sách trung ương hỗ trợ cũng đứng thứ ba.
Dự kiến từ nay đến 2020 và chương trình trung hạn 5 năm tới, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư các dự án có tính chất liên kết vùng, liên kết các tiểu vùng tại Đồng bằng sông Cửu Long như vùng Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau, tứ giác Long Xuyên, đầu tư kết nối liên vùng giữa Đồng bằng sông Cửu Long với TP.Hồ Chí Minh.
Cụ thể, các loại hình như hàng hải, đường bộ, hàng không, đường sắt... sẽ được đầu tư. Về đường bộ, Chính phủ sẽ đầu tư trục đường từ bắc xuống nam, từ đông sang tây. Về đường thủy nội địa, không ở đâu có lợi thế như Đồng bằng sông Cửu Long, phù hợp phát triển dịch vụ logistics quốc tế cho khu vực tiểu vùng sông Mê Kông. Với hàng hải, khu vực này có thể đầu tư các luồng tàu biển. Về hàng không, có thể mở nhiều tuyến đường bay mới, kết nối cảng tại Cần Thơ, sớm nâng cấp sân bay Phú Quốc. Đường sắt đang kêu gọi vốn tuyến đường sắt TP.Hồ Chí Minh đi Cần Thơ.
Được biết, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện còn rất nhiều tiềm năng lớn vẫn chưa được khai thác. Đây là vùng tăng trưởng cao nhất so với các vùng còn lại trong cả nước, với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đánh giá là tốt nhất, trong đó có nhiều địa phương đứng trong top 10. Khu vực này có lực lượng lao động dồi dào, sức mua của người dân trong vùng khá lớn, chỉ đứng sau Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Nơi đây cũng là trung tâm nông nghiệp, chế biến nông sản lớn nhất cả nước…
Trên thực tế, đã có rất nhiều quốc gia đến tìm hiểu và muốn đầu tư vào khu vực này, trong đó phải kể đến Nhật Bản.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam thì trong định hướng hợp tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là hướng đi rất quan trọng. Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp cũng là phương hướng chúng ta đang cố gắng thúc đẩy. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực tiềm năng cho sự hợp tác đó. Bởi, ở đây chúng ta có tiềm năng về đất đai, về lao động và đây cũng là khu vực thị trường lớn.
Nhằm tạo đột phá trong thu hút đầu tư, thời gian qua, nhiều địa phương trong khu vực này đã thực hiện các giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy cải cách hành chính công ở các cơ quan công quyền, chuyển dần sang tư duy phục vụ doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp trước, trong và sau quá trình cấp phép. Cùng với đó, rất nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp được đẩy mạnh, nhằm thúc đẩy giao thương, tăng cơ hội thu hút đầu tư.
Để thúc đẩy thu hút đầu tư từ các quốc gia trên thế giới vào khu vực này, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung dành nguồn lực đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường, đáp ứng được nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, về hạ tầng giao thông, các công ty hàng không có cơ chế cho sân bay Cần Thơ mở thêm các đường bay nội ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và một số chuyến bay quốc tế có thị trường khách du lịch đến Đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển thêm đường cao tốc tại khu vực, phát triển hệ thống đường thủy để phát triển du lịch đường sông vốn là thế mạnh đặc thù của vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.