Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, nhiều trường tiểu học bán trú đang triển khai công tác giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho học sinh, trong đó có sử dụng Áp phích “Ba phút thay đổi nhận thức” - một trong những nội dung trọng tâm thuộc Dự án Bữa ăn học đường do Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) và Công ty Ajinomoto Việt Nam triển khai thực hiện từ năm 2012.
Áp phích “Ba phút thay đổi nhận thức” cung cấp các thông tin dinh dưỡng cơ bản của nhiều loại thực phẩm, gồm thông tin về các nhóm vitamin, khoáng chất và công dụng của chúng. Những thông tin này được minh họa bằng các hình ảnh trực quan, sinh động, giúp các em dễ dàng nhận biết và ghi nhớ. Nhà trường có thể in và treo áp phích ở các khu vực chung, tập trung đông học sinh như hành lang, căn tin… để các em được tiếp xúc với kiến thức dinh dưỡng thường xuyên.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả trong công tác giáo dục kiến thức dinh dưỡng thông qua áp phích, trước mỗi giờ ăn trưa, giáo viên các lớp đều sử dụng áp phích để giới thiệu thông tin dinh dưỡng của các loại thực phẩm có trong bữa trưa hôm đó. Nhiều hoạt động thu hút các em học sinh như hỏi – đáp, đố vui có thưởng,… được áp dụng cùng áp phích giúp các em dễ tiếp thu và nhớ lâu hơn.
Các em học sinh cùng tìm hiểu về dinh dưỡng với áp phích trước mỗi giờ ăn
Hiểu được công dụng của thực phẩm sẽ giúp các em hình thành sự yêu thích đối với đa dạng các loại thực phẩm. Nhờ đó, thay vì chỉ ăn các món theo sở thích như thịt, trứng, các món chiên, rán, đồ ngọt,… giờ đây, các em sẽ tự giác ăn thêm các loại rau, củ, quả,… để bổ sung đầy đủ các vi chất dinh dưỡng cho cơ thể. Thống kê cho thấy, sau khi áp dụng áp phích, gần 60% các em học sinh tại các trường tiểu học bán trú đã ăn thêm nhiều loại rau củ - nguồn vi chất dinh dưỡng dồi dào cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Áp phích Ba phút thay đổi nhận thức là một nội dung thuộc dự án Bữa ăn học đường
Bên cạnh áp phích, Dự án Bữa ăn học đường còn có hai nội dung trọng tâm khác là Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, giúp cung cấp cho nhà trường công cụ tính toán và xây dựng thực đơn bữa ăn khoa học cho các em học sinh và Mô hình bếp ăn mẫu bán trú, hỗ trợ công tác chuẩn bị bữa ăn bán trú hiệu quả.
Tính đến tháng 1.2020, hơn 3.645 trường tiểu học bán trú tại 62 tỉnh thành toàn quốc đang áp dụng phần mềm trong công tác chuẩn bị thực đơn và áp phích trong giáo dục kiến thức dinh dưỡng.
Dự án đã xây dựng thành công hai mô hình bếp ăn bán trú theo tiêu chuẩn Nhật Bản tại Trường tiểu học Trưng Trắc (TP.HCM) và Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn). Trong năm 2019, Dự án tiếp tục được Chính phủ Nhật Bản viện trợ, xây dựng thêm hai mô hình bếp ăn mẫu bán trú tại Trường tiểu học Ngô Gia Tự (Đà Nẵng) và Trường tiểu học Phan Đình Phùng (TP.HCM).
Q.C