(HNM) - Trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Iran Hassan Rouhani dự kiến kéo dài tới hết ngày 22-12, đánh dấu việc lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Iran tới thăm đất nước Mặt trời mọc sau gần hai thập kỷ, Tổng thống H.Rouhani đã có cuộc hội đàm cởi mở với Thủ tướng Shinzo Abe.
Chuyến công du của Tổng thống H.Rouhani là một phần trong các nỗ lực của Tehran nhằm duy trì mối quan hệ đang có chiều hướng ngày càng tốt đẹp với Tokyo. Đây cũng là lần gặp nhau thứ 10 của lãnh đạo đương nhiệm hai nước và lần gần nhất là vào tháng 9-2019 bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ).
Hiện Tehran đang gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt ngày càng siết chặt của Washington khiến nền kinh tế nước này điêu đứng. Do đó, nếu Nhật Bản nối lại việc nhập khẩu dầu thô và tăng cường mối quan hệ kinh tế song phương, tình hình có thể cải thiện.
Chuyến thăm cũng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh quan hệ giữa Iran và Mỹ tiếp tục leo thang căng thẳng và Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngừng đẩy mạnh chiến dịch gây sức ép tối đa với chính quyền của Tổng thống H.Rouhani.
Trong khi đó, Nhật Bản lâu nay đã dành nhiều nỗ lực thúc đẩy đối thoại giữa Tehran và Washington nhằm phá vỡ bế tắc liên quan đến Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015.
Trên thực tế, xứ Hoa anh đào có lý do để quan tâm tới cuộc đối đầu Iran - Mỹ khi sự hiềm khích giữa hai bên đã đẩy Tokyo vào thế khó bởi Washington là một đồng minh an ninh, còn Iran là nguồn cung cấp dầu lớn. Có quan hệ thân thiết với Mỹ, việc Nhật Bản đứng ra làm trung gian hòa giải chắc chắn có thể làm dịu tình hình.
Ngoài ra, những tiến triển trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran nếu đạt được sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng tại Trung Đông, khu vực trọng yếu đối với một đất nước nghèo tài nguyên như Nhật Bản. Trước đây, Trung Đông cung cấp tới 90% tổng số lượng dầu thô nhập khẩu của quốc gia Đông Bắc Á.
Tuy nhiên, các công ty Nhật Bản đã ngừng nhập dầu từ Iran kể từ tháng 5-2019 do quy định của các lệnh trừng phạt. Bên cạnh đó, việc giữ một vị trí tích cực trong vấn đề hạt nhân Iran sẽ tạo cho Nhật Bản vị thế đặc biệt trên bàn cờ chính trị quốc tế, nâng tầm ảnh hưởng của nước này trong các vấn đề toàn cầu.
Với những mục tiêu như vậy, tại cuộc gặp, Thủ tướng S.Abe đã kêu gọi Tổng thống Iran H.Rouhani tuân thủ các cam kết trong JCPOA, đồng thời cho biết Nhật Bản sẽ làm những gì có thể nhằm bảo đảm sự ổn định ở Trung Đông. Đáp lại, nhà lãnh đạo Iran cũng đề nghị người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản hợp tác với các nước khác để duy trì thỏa thuận hạt nhân đã ký kết. Hai bên còn trao đổi về kế hoạch của Tokyo cử Lực lượng phòng vệ (SDF) tới Trung Đông thực thi nhiệm vụ ổn định an ninh và hòa bình tại khu vực này.
Giới phân tích cho rằng, việc đưa các tàu của SDF tới “rốn dầu” thế giới làm công tác điều tra và nghiên cứu sẽ cho phép Nhật Bản tránh phải gia nhập liên minh quân sự của Mỹ chống Iran, động thái chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới quan hệ với Tehran. Nội các Nhật Bản dự kiến sẽ thông qua bước đi này sau khi kế hoạch được thông báo chi tiết tới Tổng thống H.Rouhani.
Nhật Bản liệu có thành công trong nỗ lực thuyết phục Mỹ và Iran nối lại đàm phán nhằm thu hẹp bất đồng hay không vẫn còn là câu hỏi để ngỏ. Thủ tướng S.Abe cũng từng thăm Iran hồi tháng 6-2019 với sứ mệnh tương tự nhưng chưa thu được kết quả như mong đợi.
Song rõ ràng, việc cố gắng tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng đang leo thang đe dọa an ninh khu vực Trung Đông cũng như thế giới là vô cùng cần thiết và dư luận đặt nhiều niềm tin vào quyết tâm của Nhật Bản trong vai trò rất khó khăn này.