(HNMO) - Trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường cho thấy, hiện nay thị trường bất động sản chưa có biểu hiện cực đoan như "đóng băng" hay "phát triển nóng".
Đây là một trong những nội dung trong báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng gửi Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực xây dựng.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có thị trường bất động sản. Tuy nhiên, về cơ bản, thị trường bất động sản không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng. Các tác động chỉ mang tính chất cục bộ ở một số yếu tố của thị trường và một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Hiện nay, thị trường bất động sản đã cho thấy tín hiệu phục hồi và phát triển lạc quan nếu Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19, không để lan rộng và kéo dài. Các doanh nghiệp bất động sản đã tái khởi động hoạt động kinh doanh với những chiến lược và kế hoạch kinh doanh mới phù hợp với thị trường.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý về thị trường bất động sản được Bộ Xây dựng chỉ ra là tình trạng lệch pha cung - cầu bất động sản. Nguồn cung nhà ở phân khúc trung, cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm 20-30% thị trường; nhu cầu nhà ở phân khúc bình dân, giá thấp (giá dưới 25 triệu đồng/m2) lại chiếm đến 70-80% thị trường.
Mặc dù nguồn cung nhà ở, cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường.
Trong khi đó, giá bất động sản trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 0,16%, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% so với cùng kỳ năm 2019; tại thành phố Hồ Chí Minh, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25%, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Trong khi đó, giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.
Về triển vọng của thị trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định, trong ngắn hạn, có thể thị trường sẽ tiếp tục gặp một số khó khăn nhất định do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, về dài hạn, các doanh nghiệp bất động sản vẫn thấy được tiềm năng và tín hiệu lạc quan từ thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp do sự chuyển dịch của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường cho thấy, hiện nay thị trường bất động sản chưa có biểu hiện cực đoan như "đóng băng" hay "phát triển nóng".