Quốc tế không trở lại, nội địa chẳng mặn mà
Du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực Châu Á như cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc dân tộc… Nhiều điểm du lịch Việt được bình chọn là di sản thế giới. Sở hữu nhiều tiềm năng vượt trội nhưng du lịch Việt lại có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam được Ngân hàng thế giới công bố năm 2015, Việt Nam đứng thứ 75/141. Theo thống kê, trong năm 2015, Việt Nam đón gần 7 triệu lượng khách quốc tế. Thế nhưng so với các nước lân cận thì con số trên quá khiêm tốn. Ví dụ như Thái Lan, lượng khách quốc tế gấp khoảng 4 lần Việt Nam với 30 triệu lượt, Malaysia khoảng 26 triệu, Singapore khoảng 15 triệu. Nhưng đáng quan ngại hơn trong số gần 7 triệu lượt khách đến Việt Nam đó, có khoảng 70% không có ý định quay trở lại.
Khách quốc tế quay lưng đã đành, người Việt Nam cũng đang có xu thế “ngó lơ” với du lịch nội địa. Trong những năm trở lại đây, người Việt đang chi tiền nhiều hơn cho các tour du lịch nước ngoài. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO), năm 2015, có 185.000 lượt khách Việt Nam đến Nhật Bản, tăng 49% so với năm 2014. Sáu tháng đầu năm 2016, khách Việt Nam đến Nhật Bản đạt 122.836 lượt, dự kiến đến cuối năm nay, con số này sẽ đạt 250.000 lượt khách. Theo thông kế của các hãng lữ hành, trong nửa năm 2016, khách Việt đi Châu Âu, đi luxury tour tăng 200%. Rõ ràng, du lịch Việt chưa đủ năng lực để thu hút khách quốc tế quay lại, nhưng cũng chẳng thể hấp dẫn chính du khách trong nước, nhất là đối tượng khách có tiền.
Vì sao không hấp dẫn?
Trong những năm trở lại đây du lịch Việt Nam cũng đã bước đầu cố những chính sách kích cầu thu hút du lịch như quảng bá du lịch tại nước ngoài, gia hạn miễn thị thực thêm 1 năm đến hết ngày 1/7/2017 cho 5 nước Tây Âu là Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng không mấy cải thiện. Trong 10 tháng đầu năm 2016, có hơn 8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.
Dù có những chính sách kích cầu nhưng trong 10 tháng đầu năm 2016, chỉ có hơn 8 triệu lượt du khách quốc tế đến Việt Nam
Lý giải vì sao du lịch Việt không hấp dẫn du khách nước ngoài, nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta đang thiếu sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ mang tới trải nghiệm khác biệt cho du khách tham quan. Người Việt đang tư duy làm du lịch theo lối chộp giật, chủ yếu là khai thác theo kiểu tận thu giá trị tài nguyên, dịch vụ đơn điệu, nghèo nàn. Đối với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, rất hiếm các sản phẩm đẳng cấp, chất lượng thỏa mãn nhu cầu của giới thượng lưu. Trong khi đó, với mức sống ngày càng cao, nhu cầu, đòi hỏi về dịch vụ, chất lượng du lịch cũng khắt khe hơn. Du khách mong muốn trải nghiệm các tour du lịch kết hợp vui chơi giải trí, mua sắm. Thế nhưng các điểm du lịch Việt Nam vẫn khai thác du lịch theo hướng nhỏ lẻ, manh mún. Bởi lẽ đó, du khách nước ngoài đến Việt Nam liên tục giảm, còn du khách trong nước hứng thú với các tour du lịch nước ngoài hơn
Nhìn sang nước bạn là Thái Lan, quốc gia có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Xét về tài nguyên du lịch tự nhiên, dù rằng diện tích của Việt Nam nhỏ hơn so với Thái Lan nhưng sự đa dạng về địa hình, khí hậu cũng như hệ động thực vật của chúng ta lại có phần nhỉnh hơn hẳn. Bên cạnh đó, mức độ ổn định chính trị của Việt Nam hơn hẳn Thái Lan. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan. Lý do rất đơn giản là bởi đất nước Chùa Vàng rất chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gồm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch MICE, du lịch chữa bệnh, du lịch mua sắm, du lịch nông nghiệp... Và mỗi loại hình du lịch sẽ là một trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn du khách.
Dù có khá nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp nhưng du lịch Việt Nam vẫn khai thác du lịch theo hướng nhỏ lẻ, manh mún không phong phú
Ông Nick Nhơn, giám đốc công ty OSC First Holidays (một trong những doanh nghiệp tổ chức tour cho du khách Việt đi Thái hàng tuần), bình luận: “Tôi không ngạc nhiên về sự chênh lệch giữa lượng khách Thái và Việt Nam bởi Thái làm du lịch với cái tầm lớn hơn Việt Nam”.
Ông giải thích: “Sản phẩm của du lịch Thái rất phong phú. Họ gần như không để trống thời gian biểu của du khách, với đủ loại dịch vụ giải trí, ẩm thực như show người chuyển giới hát, trình diễn muay Thái, chợ đêm…
Theo tính toán của các hãng lữ hành, mỗi năm Việt Nam có khoảng 5 triệu lượt khách Việt đi du lịch nước ngoài và chi khoảng 6 tỷ USD. Không ngoa khi nói du lịch Việt đang chảy máu ngoaiị tệ. Với tốc độ đi tour hạng sang tăng 200%/năm như công ty Luxury Tour tiết lộ thì sự chảy máu ngoại tệ sẽ còn tiếp tục tăng chóng mặt nếu du lịch Việt không có những bước đi đột phá, định vị thương hiệu du lịch bằng những sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ.
-> Du lịch mùa thu, vi vu mua sắm
P.V