So với Quyết định 01ban hành ngày 18/1/2022 của Chính phủ, danh mục mới nêu trên đã loại ra 297 cơ sở do đã dừng hoạt động hoặc giảm quy mô, công suất hoạt động và cập nhật bổ sung 551 cơ sở mới có lượng phát thải khí nhà kính lớn nằm trong diện quản lý.
Các nhà máy đốt than là nguồn phát thải khí nhà kính lớn.
Cụ thể, ngành công thương có 1.805 cơ sở là các nhà máy điện, các cơ sở công nghiệp có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE (tấn dầu quy đổi) trở lên (loại 199 cơ sở và cập nhật bổ sung 342 cơ sở mới). Ngành xây dựng có 229 cơ sở bao gồm các doanh nghiệp sản xuất xi măng, các tòa nhà thương mại có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên (loại 37 cơ sở và cập nhật bổ sung 162 cơ sở mới). Ngành giao thông vận tải có 75 cơ sở là các công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên (loại 26 cơ sở, cập nhật bổ sung 31 cơ sở mới). Ngành tài nguyên và môi trường có 57 cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên (loại 35 cơ sở và cập nhật bổ sung 16 cơ sở mới).
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng phát thải khí nhà kính tại các cơ sở sản xuất năm 2022 là 662,6 triệu tấn CO2 tương đương. Việc kiểm kê khí nhà kính tạo tiền đề cho việc phân bổ hạn ngạch phát thải KNK tại các cơ sở từ giai đoạn năm 2026 đến hết năm 2030 và các giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp xác định chiến lược giảm phát thải, chủ động tham gia vào thị trường trao đổi tín chỉ carbon, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường đối với các sản phẩm xuất khẩu…
Phạm vi kiểm kê khí nhà kính.
Để chuẩn bị cho bước triển khai thực hiện kiểm kê, ngay sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam thực hiệm giảm 45% khí CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào năm 2050, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP (ngày 7/1/2022) quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Báo cáo Đóng góp quốc gia tự quyết định cập nhật năm 2022 cũng đã đề xuất các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực đã quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020. Doanh nghiệp nằm trong danh mục phải kiểm kê hoàn toàn có thể dựa trên các phương án này để triển khai xây dựng kế hoạch, thực hiện các giải pháp giảm phát thải. Điều này sẽ thúc đẩy cải tiến công nghệ trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, gia tăng việc làm, đảm bảo an sinh - xã hội trên phạm vi lớn.
Kiểm kê kiểm kê khí nhà kính là hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải khí nhà kính, tính toán lượng phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện tích hợp việc kiểm kê khí nhà kính với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ở Việt Nam, việc tích hợp này là khá mới, nhưng đã được nhiều doanh nghiệp thực hiện. Kiểm kê khí nhà kính và quá trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm đều phải thực hiện quá trình xem xét, đánh giá, thu thập dữ liệu tại từng công đoạn sản xuất trong suốt quá trình tạo ra sản phẩm. Các quá trình thực hiện kiểm kê và truy xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để đảm bảo tính đồng nhất, minh bạch. Do đó, hoàn toàn có thể kết hợp hai hệ thống bằng cách tích hợp hệ số phát thải và công thức tính toán phát thải trong kiểm kê kiểm kê khí nhà kính vào hệ thống truy xuất nguồn gốc. Điều này sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch, chính xác qua đó giúp nâng cao khả năng kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Để thống nhất, tiêu chuẩn hóa các hệ thống, nền tảng truy xuất nguồn gốc đang triển khai trên thị trường, ngày 28/03/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN về quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, quy định chi tiết các thông tin tối thiểu cần có trong hệ thống truy xuất nguồn gốc. Các thông tin này bao gồm: tên sản phẩm, hình ảnh, nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất, các công đoạn sản xuất, mã truy vết, thời gian sản xuất, mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, và các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng. Việc tiêu chuẩn hóa và tích hợp các thông tin này vào hệ thống kiểm kê khí nhà kính giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi, tính toán và báo cáo lượng phát thải một cách chính xác hơn.
Việc triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới. Việt Nam đã ký kết 2 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Đây là các hiệp định mở ra nhiều cơ hội và thị trường đối với nhiều mặt hàng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, xu thế hiện nay trong triển khai các hiệp định nêu trên có thể sẽ áp thuế đối với các doanh nghiệp, cơ sở chưa thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường hiệu quả năng lượng trong quá trình sản xuất. Điển hình là Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia, nhóm quốc gia tham gia các hiệp định nêu trên. Đây là một trong những hàng rào kỹ thuật cho các ngành công nghiệp của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới. Đặc biệt là các sản phẩm sắt, thép, nhôm nếu không đáp ứng đủ các điều kiện sẽ bị tác động đến tỷ trọng và giá trị xuất khẩu. Thời gian còn lại cho các sản phẩm này chưa đến 2 năm trước khi CBAM chính thức áp dụng từ ngày 01/01/2026 để thực hiện “chuyển đổi xanh” hoặc sẽ phải chịu một mức thuế carbon theo quy định của CBAM khi xuất khẩu vào EU. Do đó, việc kiểm soát phát thải khí nhà kính cấp cơ sở, hướng tới áp dụng các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp sẽ tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế của các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Nâng cao năng lực báo cáo, kiểm kê khí nhà kính
Việc kiểm kê khí nhà kính không chỉ đơn thuần là thu thập và tính toán số liệu mà còn yêu cầu sự hỗ trợ của các chuyên gia và công nghệ để đảm bảo tính chính xác và minh bạch. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang gặp nhiều khó khăn trong việc đo lường và báo cáo lượng phát thải khí nhà kính do thiếu công nghệ và kiến thức chuyên môn. Để hỗ trợ, việc áp dụng các công cụ tích hợp, sử dụng công nghệ IoT và AI trong thu thập và phân tích dữ liệu, cũng như sử dụng các mô hình dự báo để quản lý.
Khắc phục các trở ngại này, Việt Nam đã nỗ lực hợp tác nỗ lực hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực cho cán bộ, chuyên gia nòng cốt từ đó lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm thực tế từ các nước bạn đến đội ngũ nhân viên doanh nghiệp. Gần đây nhất, từ tháng 3 đến tháng 5/2024, Trung tâm Việt – Úc, được sự tài trợ của Bộ Ngoại Giao và Thương mại Australia (DFAT) thông qua Chương trình Đối tác Mekong Australia, đã tổ chức 3 lớp đào tạo ngắn hạn cho khoảng 50 cán bộ Việt Nam về “Quản trị dữ liệu và hoạch định chính sách”, “Quản trị, thu thập và quản lý dữ liệu” và “ Tăng cường năng lực báo cáo và kiểm kê khí nhà kính, hướng đến xây dựng thị trường carbon trong nước”. Các khóa học được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực của Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa các ưu tiên trong giai đoạn 2023-2024 gồm quản trị dữ liệu hiệu quả, xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm thúc đẩy chương trình chuyển đổi số, cũng như tăng cường năng lực báo cáo phát thải khí nhà kính để thiết lập thị trường carbon nội địa.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Theo Thông tư 02/2024/TT-BKHCN (có hiệu lực từ 1/6/2024),
- Dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa để kết nối với Cổng thôn tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia gồm tối thiểu 10 thông tin: Tên sản phẩm, hàng hóa; Hình ảnh sản phẩm, hàng hóa; Tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; Địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh; Các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh (bao gồm tối thiểu thông tin: mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và thời gian sự kiện truy xuất nguồn gốc của từng công đoạn); Thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra); Mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có); Thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có); Các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng.
- Dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa để phục vụ người tiêu dùng tra cứu trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, bao gồm tối thiểu các thông tin sau: Tên sản phẩm, hàng hóa; Hình ảnh sản phẩm, hàng hóa;Tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; Địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh; Thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra);Thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có); Thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có).
Nguồn suckhoemoitruong.com.vn
Link bài gốchttps://suckhoemoitruong.com.vn/tich-hop-kiem-ke-khi-nha-kinh-voi-truy-xuat-nguon-goc-san-pham-giup-doanh-nghiep-minh-bach-giam-thieu-phat-thai-24943.html