“Tiết học biên giới” tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy. (Ảnh: TH)
Một ngày cuối tháng 10, chúng tôi có mặt trong “Tiết học biên giới” của thầy, trò Trường Tiểu học Kim Ngọc, huyện Bắc Quang (Hà Giang) tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy. Tham gia tiết học, giáo viên và học sinh nhà trường đã được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy giới thiệu về truyền thống lịch sử vẻ vang và tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới cũng như cuộc sống, sinh hoạt, công tác của chiến sĩ biên phòng; các quy định về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc; tham quan Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy; thăm đơn vị và giao lưu văn hoá, văn nghệ... Trước đây, các em học sinh biết đến hình ảnh chú bộ đội biên phòng phần lớn là thông qua sách vở, phim ảnh hoặc trong trong những bài giảng của thầy, cô. Nay với mô hình “Tiết học biên giới”, các em có dịp được tận mắt chứng kiến công việc, cuộc sống, củng cố thêm kiến thức trong học tập cũng như bồi đắp thêm tình yêu đối với biên cương Tổ quốc.
Với mục tiêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, những năm qua, nhiều Đồn Biên phòng trên tuyến biên giới Hà Giang như Thàng Tín, Thanh Thủy, Nghĩa Thuận... đã thường xuyên phối hợp thực hiện tốt mô hình “Tiết học biên giới”. Trong các tiết học đặc biệt này, những “Thầy giáo Biên phòng” sẽ trực tiếp đứng lớp. Các em học sinh ở các cấp học Tiểu học, THCS, THPT sẽ được truyền đạt những kiến thức như: truyền thống Bộ đội Biên phòng; quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của cư dân vùng biên; các kỹ năng nhận biết đâu là vùng cấm; dấu hiệu nhận biết đường biên, cột mốc biên giới; quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, hoạt động trong khu vực biên giới…
Bằng phương pháp truyền đạt thiết thực, dễ hiểu, các chiến sĩ biên phòng đã lựa chọn các nội dung, ví dụ cụ thể, sát với thực tế địa bàn và phù hợp với nhận thức của học sinh khu vực biên giới. Ngoài học lý thuyết, các em còn được đi tham quan thực tế cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, tìm hiểu thực địa một số biển báo trong khu vực biên giới, hệ thống cột mốc chính, mốc phụ… Đồng thời, các em còn nghe kể về truyền thống của đơn vị và nhân dân địa phương trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Em Sùng Văn Sáng, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Trung học cơ sở Nghĩa Thuận (Quản Bạ) cho biết: Em rất vui khi được cùng các bạn tham gia “Tiết học biên giới” tại Đồn Biên phòng Nghĩa thuận. Em được tham gia nhiều hoạt động cùng các bạn và các chú bộ đội. Qua tiết học hôm nay, em hiểu được nhiều hơn về lịch sử của cha ông; em hứa sẽ học tập tốt để khi lớn lên được làm chiến sĩ biên phòng bảo vệ biên giới quê hương.
Thầy và trò Trường PTDTBT Trung học cơ sở Nghĩa Thuận tham quan giờ huấn luyện tại Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận. (Ảnh: XM)
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Lương Kim Anh (Trường PTDTBT Trung học cơ sở Nghĩa Thuận) chia sẻ: Việc đưa “Tiết học biên giới” vào dạy ngoại khóa cho các em học sinh là rất cần thiết. Qua đó, các em được trang bị những khái niệm, kiến thức về biên giới, lãnh thổ, về chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Với những kiến thức có được qua tiết học, các em còn là những tuyên truyền viên tích cực để tuyên truyền trực tiếp đến gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư tại thôn, bản. Từ đó, người dân có sự tự giác hơn trong việc chấp hành pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi biên cương của Tổ quốc.
Thực tế cho thấy, mô hình “Tiết học biên giới” của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang đã trực tiếp giúp các em học sinh trên địa bàn biên giới nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu hơn về đường biên, mốc giới Quốc giới; xác định được trách nhiệm của bản thân và cộng đồng trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới. Đây không chỉ là một biện pháp vận động động quần chúng mà còn là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhất để các em học sinh hiểu rõ hơn về cuộc sống, chiến đấu của những người lính biên phòng, từ đó nhân lên tình yêu biên cương Tổ quốc ở các em.
Theo Đại tá Lưu Đức Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh Hà Giang, để tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình “Tiết học biên giới”, thời gian tới Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang sẽ chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở và các nhà trường trong xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Các đơn vị cần lựa chọn nội dung, kiến thức phù hợp với từng bậc học; đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để “Tiết học biên giới” có được những hiệu quả thiết thực, nhất là giúp các em học sinh trên địa bàn biên giới thêm hiểu về trách nhiệm, ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc và ý nghĩa thiêng liêng của chủ quyền biên giới quốc gia./.