Nguồn gốc của những viên kim cương xanh
Hai nhà khoa học Evan Smith, người Mỹ, thuộc Viện Ngọc học Mỹ (GIA) và Fabrizio Nestola, người Italy, thuộc Đại học Padua, Italy mới đây đã tìm ra cơ chế hình thành của những viên kim cương xanh. Sự ra đời của một viên kim cương xanh như viên kim cương nổi tiếng Hope đòi hỏi một quá trình địa chất phức tạp.
Kim cương xanh là loại kim cương quý hiếm nhất trên Trái Đất. Theo một cuộc khảo sát gần đây, trong 13,8 triệu viên kim cương, chỉ có 0,02% là kim cương màu xanh. Chúng được tìm thấy ở độ sâu ít nhất là 400 dặm (640 km) bên dưới bề mặt đất.
Nguồn gốc của những viên kim cương xanh từ lâu vẫn luôn là một bí ẩn. Kim cương vốn là tinh thể của các nguyên tử cacbon, và nguyên tử boron được biết là có thể thay thế một nguyên tử cacbon trong cấu trúc tinh thể. Các nhà địa chất đã xác định rằng các dấu vết tạp chất, ô nhiễm với nguyên tố boron, biến kim cương thành màu xanh dương.
Để trả lời câu hỏi về nguồn gốc của boron, Smith và các đồng nghiệp của ông đã xem xét 46 viên kim cương xanh, bao gồm một viên kim cương có giá 25 triệu đô la Mỹ trong năm 2016. Kết quả cho thấy tàn dư của silic canxi và các khoáng chất khác chỉ hình thành ở áp suất cực cao. Kim cương được hình thành ở ranh giới giữa lớp manti trên và manti dưới, thuộc về phần giữa lớp vỏ và lõi của Trái đất.
Kim cương xanh quý giá được tạo ra từ các đại dương cổ
Theo giả thuyết của các nhà nghiên cứu, boron của các đại dương cổ đại kết hợp vào loại đá serpentinite. Những tảng đá này sau đó sẽ được đưa xuống sâu hơn do chuyển động của các mảng kiến tạo và sẽ giải phóng toàn bộ nước có trong nó.
Phần lớn lượng nước này sẽ quay trở lại bề mặt Trái đất, nhưng một phần nhỏ bị mắc kẹt trong các khoáng chất khác và tiếp tục được đưa xuống độ sâu lớn hơn. Đến một độ sâu nhất định, chúng giải phóng boron và các nguyên tố khác.
Nếu trong số các nguyên tố này có đủ carbon, nguyên tố hình thành lên kim cương, boron sẽ thay thế một số nguyên tử carbon và tạo ra kim cương xanh. Ông Smith cho rằng đó là một trận chiến dưới vực thẳm đại dương - nơi sự chuyển động của mảng kiến tạo khiến một phần của lớp vỏ đại dương chìm sâu xuống hàng trăm dặm.
Sự hình thành kim cương xanh như một bằng chứng về cơ chế hình thành lớp vỏ Trái đất. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy các khoáng chất giàu nước có mặt ở độ sâu lớn hơn nhiều so với những gì đã biết trước đây và nước có thể được tái tạo ở sâu trong lòng Trái Đất.
=> 10 loại đá quý hiếm nhất hành tinh (Phần 1)
Video liên quan:
Những viên kim cương đắt giá nhất hành tinh (Theo Origins Explained)