Theo người nhà của bé trai N.N.Đ.K. (5 tuổi, ngụ ở Đồng Nai), cách đây hơn 2 năm, bé trai này ăn cháo gà rồi bị sặc tím tái, gia đình có đưa bé đến khám và xử trí tại bệnh viện địa phương. Tại đây, các bác sĩ chỉ xử lý tình trạng bé bị tím tái nhưng không phát hiện gì về mảnh xương gà nằm trong phổi.
Sau đó, bé K. được xuất viện về nhà. Từ đó đến nay, bé K. viêm phổi tái phát 2 lần, phải điều trị tại bệnh viện tỉnh và thường xuyên đi khám vì các triệu chứng ho, khò khè. Tuy nhiên, qua các lần điều trị trên bác sĩ cũng không phát hiện bất thường gì. Mới đây, bé tiếp tục bị ho, khò khè, người nhà đưa bé đến bệnh viện tỉnh để điều trị nhưng hơn 2 tuần điều trị liên tục bằng kháng sinh tình trạng trên vẫn không thuyên giảm nên đã chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2.
Các bác sĩ ở khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, qua khai thác bệnh sử, bác sĩ ở đây nghi ngờ tình trạng dị vật bỏ quên trong đường thở. Ngay lập tức, bệnh nhi được tiến hành chụp CT scan ngực thì phát hiện có mảnh xương găm ở phế quản thùy trên phổi trái.
Qua nội soi phế quản, quan sát thấy mảnh xương ở ngay lỗ phế quản thùy trên phổi bên trái, được bao bọc chặt bởi nhiều mô hạt, do đã kẹt trong phổi quá lâu gây viêm xẹp thùy trên phổi trái.
Các bác sĩ nhận định đây là một vị trí rất khó để có thể gắp dị vật bằng phương pháp nội soi bằng ống cứng thông thường. "Sau khi hội chẩn chúng tôi quyết định phối hợp với các bác sĩ ở Bệnh viện Tai Mũi Họng và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để tiến hành gắp di vật ra ngoài bằng phương pháp nội soi ống mềm kết hợp ống soi cứng. Phương pháp này tránh cho bé khỏi một cuộc phẫu thuật lớn để lấy dị vật ra khỏi phổi. Cuối cùng, dị vật cũng đã được gắp ra là một mảnh xương gà nằm trong phổi bệnh nhi”, một bác sĩ khoa Hô hấp 1 chia sẻ.
Theo Bệnh viện Nhi đồng 2, hàng năm khoa Hô hấp 1 tiếp nhận rất nhiều trường hợp dị vật đường thở mới cũng như bỏ quên. Tuy nhiên, trường hợp dị vật nằm trong phổi như của bé K. bị bỏ quên hơn 2 năm thì thật hy hữu.
Các bác sĩ khuyến cáo, với các bé nhỏ, phụ huynh cần tránh cho bé chơi các đồ chơi có kích thước quá nhỏ dễ ngậm và sặc vào đường thở, cũng như tránh cho trẻ ăn những thức ăn dễ bị hóc như: đậu phộng, hạt dưa, hạt hướng dương…
Đối với trẻ có xảy ra hội chứng xâm nhập như: sặc, hóc thức ăn, đồ chơi…, các bậc phụ huynh cần lưu ý đưa trẻ đến khám tại các bệnh viện uy tín, có chuyên khoa sâu về hô hấp nhi để phát hiện và xử trí kịp thời.
Hồ Quang