Sau khi khám thai, chị H.L.N.X (24 tuổi, ngụ tại TP.HCM) phát hiện bất thường cấu trúc tim của thai nhi. Thai phụ X. được người nhà đưa đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM để tiếp tục theo dõi thai kỳ.
Khi thai kỳ của chị X. ở tuần thứ 22, các bác sĩ siêu âm phát hiện có một bất thường ở thùy dưới phổi phải. Thai phụ được tiến hành chọc nước ối kiểm tra và phối hợp hội chẩn chuyên khoa với đơn vị hình ảnh học Tim bẩm sinh. Các bác sĩ tim mạch chẩn đoán thai nhi bị bệnh hoán vị đại động mạch.
TS-BS Trần Nhật Thăng – Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết đây là hiện tượng bất thường trong quá trình tạo hình tim của phôi thai, khiến động mạnh phổi và động mạch chủ “đổi chỗ” cho nhau. Phổi biệt trí bên phải – động mạch chủ của bé, xuất phát từ tim phải, hoán đổi vị trí với động mạch phổi, khiến quá trình trộn lẫn oxy vào máu tại phổi không được diễn ra, như vậy máu đen (máu không có oxy) sẽ đi nuôi cơ thể dẫn đến cơ thể bị thiếu oxy, nguy hiểm đến tính mạng.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật chuyển gốc động mạch để bệnh nhi thoát nguy cơ toan máu, nghẹt thở gây tử vong - Ảnh: N.P
Sau khi xác định bé bị hoán vị đại động mạch, các bác sĩ theo dõi và tiến hành hội chẩn tim mạch một lần nữa khi thai được 34 tuần tuổi, kết quả siêu âm cho thấy có nhiều khả năng phải can thiệp sớm. Do đó nhóm hội chẩn sản nhi quyết định mổ lấy thai chủ động khi thai kỳ được 38 tuần 5 ngày.
Bệnh nhi sau đó được tiến hành một cuộc đại phẫu chuyển gốc động mạch để giúp bé thoát khỏi nguy cơ tử vong do bị hoán vị đại động mạch bẩm sinh.
Ngày 26.12, PGS-TS-BS Lê Minh Khôi – Trưởng đơn vị Hình ảnh tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay các bác sĩ ở đây đã phẫu thuật chuyển gốc động mạch thành công khi bệnh nhi được 8 ngày tuổi, cứu bệnh nhi thoát khỏi tình trạng toan máu, nghẹt thở gây tử vong.
“Hiện bệnh nhi đã hoàn toàn khỏe mạnh và đã được cho xuất viện. Đặc biệt, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng liên chuyên khoa, không mất nhiều thời gian phẫu thuật nên sau khi phẫu thuật thành công, bệnh nhi đã nhanh chóng hồi phục, nhất là sau này bệnh nhi sẽ phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác”, bác sĩ Khôi nói.
Ê kíp phẫu thuật tiến hành sửa chữa lại dị tật nguy hiểm này ở bệnh nhi - Ảnh: N.P
Theo bác sĩ Khôi, để thực hiện thành công cuộc phẫu thuật này bệnh viện đã phối hợp đa chuyên khoa sâu với 9 khoa, phòng. Các nhóm tham gia hội chẩn gồm có Khoa Sản, Khoa Phẫu thuật tim mạch, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Gây mê – Hồi sức, Đơn vị Đơn nguyên sơ sinh, Đơn vị Hình ảnh tim mạch, Đơn vị Tim mạch nhi và tim bẩm sinh, Đơn vị Hồi sức phẫu thuật tim mạch và Đơn vị Can thiệp nội mạch. Cả quá trình từ khi tầm soát thai đến bước mổ chủ động (thai nhi được 38 tuần 5 ngày) để bé được cấp cứu đúng thời điểm và thực hiện phẫu thuật là một sự phối hợp chặt chẽ, đồng nhất hướng đến mục tiêu điều trị chung của các bác sĩ trong nhóm hội chẩn.
Để đảm bảo cho cuộc phẫu thuật diễn ra tốt nhất đối với bệnh nhi sơ sinh, các bác sĩ đã kéo dài đến 8 ngày sau sinh giúp cho sinh lý của đứa trẻ được tốt nhất để thực hiện ca mổ.
Tuy nhiên, chính vì để đảm bảo sinh lý tốt nhất cho cuộc mổ, các bác sĩ phải chăm sóc, điều trị rất đặc biệt cho bệnh nhi nhưng cũng đã không ít lần xảy ra những biến cố. ThS-BS Cao Đằng Khang – Phó trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch cho biết khi đang chăm sóc và điều trị ở ngày thứ 4, chỉ số oxy của bệnh nhi bất ngờ xuống thấp. Các bác sĩ siêu âm phát hiện ống động mạch co nhỏ lại phải nhanh chóng xử lý kịp thời.
Hồ Quang