Tại Công văn 7353/UBND-NN ngày 27/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, TP. Vinh căn cứ chỉ đạo của Bộ NN&PTNT tại Công văn số 6288/BNN-TY ngày 23/8/2024 về việc triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2/2024; Công văn số 6289/BNN-TY ngày 23/8/2024 về việc khẩn trương xây dựng Kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2025 để tổ chức thực hiện.
Người dân phun thuốc khử trùng
Theo đó, tại Công văn số 6288/BNN-TY ngày 23/8/2024, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức xây dựng, trình phê duyệt và bố trí kinh phí để chủ động triển khai có hiệu quả ”Kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại địa phương năm 2025 và các năm tiếp theo”.
Nội dung kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật đã được quy định cụ thể tại Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và nhiều văn bản hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Đặc biệt là nội dung bố trí kinh phí cho các hoạt động phòng chống bệnh chủ động như: Mua vacxin để kịp thời cung ứng phục vụ công tác phòng, chống dịch; tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, tiêm phòng đồng bộ cùng thời điểm; tổ chức giám sát chủ động, điều tra dịch tễ, chuẩn đoán xét nghiệm xác định nguyên nhân dịch bệnh; xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh; các hoạt động truyền thông, dự phòng hóa chất khử trùng để xử lý dịch bệnh...
Tại Công văn số 6288/BNN-TY ngày 23/8, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND cấp tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành của địa phương và UBND các cấp triển khai thực hiện tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường; bố trí kinh phí để bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả.
Chính quyền cấp xã tổ chức các đội thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, bãi chăn thả, chợ buôn bán động vật sống và sản phẩm động vật ở dạng sống, địa điểm thu gom động vật sống và sản phẩm động vật để buôn bán, kinh doanh, khu vực chôn lấp. Bên cạnh đó, xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh, khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật...
Các cơ sở chăn nuôi tập trung, giết mổ động vật tập trung, ấp trứng gia cầm, thủy cầm... chủ động bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại cơ sở và khu vực xung quanh dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y. Chính quyền địa phương chỉ đạo tổ chức áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng tại khu vực đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn quản lý. Cơ quan kiểm dịch động vật phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu tham mưu cho Ban quản lý cửa khẩu tổ chức áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua cửa khẩu.
Tuấn Quỳnh
Nguồn kinhtemoitruong.vn
Link bài gốchttps://kinhtemoitruong.vn/nghe-an-trien-khai-thang-tong-ve-sinh-khu-trung-tieu-doc-moi-truong-dot-2-92650.html