Nhiều ngư dân để thuyền bỏ không vì nguồn nước ô nhiễm không còn khai thác được tôm cá như trước đây.
Qua quá trình theo dõi nước sông Nhuệ tại cống Nhật Tựu, Ba Đa và sông Đáy tại cầu Hồng Phú ngày càng ô nhiễm nặng, nước sông có màu đen, mùi hôi. Đến thời điểm hiện tại, tình trạng ô nhiễm vẫn đang có chiều hướng gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nước sông bị ô nhiễm nặng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân và ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.
Nước sông đã bị ô nhiễm báo động cấp 2 theo Quy định số 19/2022/QĐ-UBND ngày 24/3/2022 của UBND tỉnh Hà Nam về việc ban hành quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu quan trắc, trong tháng 8/2024 nước tại cống Nhật Tựu, cống Ba Đa - sông Nhuệ vẫn có màu đen, mùi thối. Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam đã lấy và phân tích mẫu nước tại vị trí trên, nồng độ các chất ô nhiễm như sau:
Tại cống Nhật Tựu:Nồng độ Amoni là 3,01 mg/L-N, vượt 10,03 lần; ôxy hoà tan là 2,31 mg/L, nhỏ hơn 2,59 lần giới hạn cho phép theo QCVN 08:2023/BTNMT: Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt – Mức phân loại chất lượng nước: Mức A.
Tại cống Ba Đa:Nồng độ Amoni là 2,81 mg/L-N, vượt 9,37 lần; ôxy hoà tan là 3,12 mg/L, nhỏ hơn 1,92 lần giới hạn cho phép theo QCVN 08:2023/BTNMT -mức A.
Tại cầu Phủ Lý:Nồng độ Amoni là 1,67 mg/L-N, vượt 5,57 lần; ôxy hoà tan là 4,36 mg/L, nhỏ hơn 1,38 lần giới hạn cho phép theo QCVN 08:2023/BTNMT - mức A.
Để hạn chế thiệt hại cho nhân dân, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố thông báo cho các xã, phường, thị trấn ven sông Nhuệ, sông Đáy có biện pháp phòng ngừa để hạn chế thiệt hại về nguồn lợi thuỷ sản; Chi cục Thủy lợi Hà Nam xem xét để bố trí lịch cấp nước cho sản xuất nông nghiệp; Công ty CP Nước sạch Hà Nam bố trí trực theo dõi bơm nước, đảm bảo nước phục vụ sinh hoạt của nhân dân.
Minh Thành
Nguồn kinhtemoitruong.vn
Link bài gốchttps://kinhtemoitruong.vn/o-nhiem-nguon-nuoc-song-nhue-day-o-muc-bao-dong-cap-2-92617.html