Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Child & Adolescent Health về mức độ sử dụng mạng xã hội và bệnh tâm lý ở thanh thiếu niên.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát khoảng 10.000 thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 13 - 16 tại Anh trong vòng hai năm. Trong cuộc khảo sát đầu tiên với các em từ 13 - 14 tuổi, các tình nguyện viên được hỏi về tần suất đăng nhập các ứng dụng như Facebook, Instagram, Twitter, Snapchat và WhatsApp trong ngày.
Trong nghiên cứu thứ hai với đối tượng thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 - 16, các chuyên gia đặt câu hỏi liên quan đến các nạn bắt nạt trên mạng, vấn đề thiếu ngủ và hoạt động thể chất. Cuộc khảo sát cuối cùng, các thanh thiếu niên được hỏi về mức độ hài lòng, chỉ số hạnh phúc và mức độ lo lắng nói chung. Nghiên cứu chú trọng vào mối liên quan của các vấn đề tồn tại trên mạng xã hội và các triệu chứng tâm lý như mất ngủ, rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.
Theo thống kê, tần suất sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội của thanh thiếu niên tăng khá đều đặn trong những năm vừa qua. Trong năm đầu tiên thực hiện nghiên cứu, có khoảng 43% thanh thiếu niên nam và 51% thanh thiếu niên nữ thường xuyên sử dụng mạng xã hội trong ngày.
Con số này đã gia tăng nhanh chóng lên lần lượt là 69% và 75% trong năm thứ ba của nghiên cứu. Các chuyên gia cũng nhận định, các thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội một cách thường xuyên có khả năng mắc các bệnh về tâm lý cao hơn so với người chỉ sử dụng một lần trong ngày. Nhận định này còn đặc biệt chính xác với các đối tượng là nữ giới. Đây là các đối tượng cho kết quả báo cáo về tâm lý tiêu cực cao gấp đôi so với nam giới.
Giáo sư Kim Sun-mi tại Bệnh viện Đại học Chungang lý giải, vì luôn muốn được chú ý nên có những người liên tục cập nhật tài khoản của mình hay để lại bình luận trên bài đăng của người khác. Nếu lượt tương tác không được như mong đợi mà thay vào đó là những bình luận thiếu thiện chí, rất có thể người dùng sẽ thấy buồn chán hoặc thất vọng.
Thực tế, người dùng mạng xã hội, nhất là những ai trầm tính thường ghen tị với cuộc sống "có vẻ hoàn hảo hơn" của người khác. Hơn nữa, việc cập nhật trạng thái quá nhiều hoặc luôn muốn đăng tải lên mạng xã hội cũng có thể khiến người dùng cảm thấy trống trải.
Theo giáo sư Kim, dừng tất cả các hoạt động trên mạng xã hội một cách đột ngột không phải là phương pháp điều trị trầm cảm hiệu quả bởi người dùng sẽ quay sang nghiện tivi hoặc game online. Thay vào đó, các chuyên gia gợi ý mỗi cá nhân nên giảm dần dần thời gian online.
"Lướt mạng xã hội vào ban đêm càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Mọi người chỉ nên sử dụng mạng xã hội vào ban ngày, tránh để ảnh hưởng đến giấc ngủ," giáo sư Myung đưa ra lời khuyên.
Trên hết, cách tốt nhất để điều trị căn bệnh trầm cảm do mạng xã hội là tìm cho mình một sở thích mới. Một khi bận rộn, bạn sẽ không còn thời gian online. Ngoài ra, nếu lên mạng xã hội, hãy tránh tham gia tranh luận bởi những cuộc cãi vã này không bao giờ kết thúc. Thậm chí, bạn nên phớt lờ tất cả các bình luận. Mục đích của mạng xã hội là ghi lại cuộc sống, kết nối bạn bè nên việc bận tâm đến suy nghĩ của người xa lạ thật vô nghĩa.
Trường hợp chứng mất ngủ và những suy nghĩ tiêu cực vẫn tiếp tục bám lấy bạn, hãy gặp bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất.
Thiên Kim (t/h)