“Đặc sản ốc ma” sung hơn Viagra?
Sáng sớm, ông Ba T. ở xã Đông Hòa Hiệp (H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) xách chiếc xô nhựa đi lòng vòng trong khu vườn trồng mít Thái của gia đình, luôn tay nhặt thứ gì đó dưới đất bỏ vào xô. Đến gần nhìn kỹ, hóa ra ông Ba T. đang bắt đám ốc sên khổng lồ, nhà vườn thường gọi là ốc ma, có vỏ màu nâu xen những sọc vàng ngà, con nhỏ cỡ ngón chân cái người lớn. Cá biệt có những con sống lâu năm, to bằng cổ tay.
Vừa bắt ốc, ông Ba T. vừa giải thích: “Những năm gần đây không biết từ đâu mà đám ốc ma này xuất hiện rất nhiều trong vườn mít, đặc biệt là vào mùa mưa, gây hại quá trời. Mấy loại cây trồng xen trong vườn như rau, đậu… đều bị bọn ốc ăn sạch, không chừa thứ gì.
Ngày nào tui cũng đi bắt ốc mà không hết”. Theo lời ông Ba T., sở dĩ nhà vườn gọi đám ốc sên khổng lồ là ốc ma vì ban ngày khi ánh nắng mặt trời xuất hiện thì lũ ốc trốn biệt vào các hang hốc, thậm chí vùi mình xuống đất để tránh nóng; ban đêm khi không khí dịu mát chúng xuất hiện, bò đi phá hoại mùa màng, cây trái, hoa cỏ.
Ốc ma sống dưới đất, ăn tạp các loại thực vật - Ảnh: Thanh Anh
“Ngày nào tui cũng gom lũ ốc ma đập bỏ vỏ lấy ruột cho gà, cá tai tượng ăn, nhưng không thể nào diệt hết. Gần đây trong xóm tui, nhiều người còn đem ốc ma chế biến thành những món mồi để nhậu lai rai rồi truyền tai nhau: nhậu thịt ốc ma có tác dụng “rất sung” trong chuyện vợ chồng, nên thi nhau ăn ốc ma”, ông Ba T. cho biết.
Ông Ba T. kể, đầu mùa mưa năm nay nhìn thấy ông ngày nào cũng bắt ốc ma cho gà, cá ăn, mấy ông bạn nhậu trong xóm đến hỏi xin về làm mồi nhậu, rồi rủ ông cùng lai rai. Nhìn con ốc ma đầy nhớt, ông Ba T. thấy ghê ghê, nhưng không ngờ sau khi đám “đệ tử lưu linh” chế biến xong thì món nào cũng thơm phức, rất hấp dẫn.
“Đầu tiên họ đập vỡ vỏ ốc lấy phần thân, sau đó vứt bỏ toàn bộ ruột gan, chỉ lấy thịt đầu ốc. Phần thịt đầu họ đem ngâm nước muối pha với phèn chua hoặc chanh khoảng 15 phút để tẩy sạch nhớt ốc, có người còn trụng nước sôi cho sạch nhớt”, ông Ba T. nói.
Sau khi tẩy nhớt và rửa sạch, thịt ốc được đem tẩm ướp các loại gia vị. Sau đó các bợm nhậu lúc thì đem xào với sa tế, lúc xào sả ớt, khi thì xào lăn với củ hành Tây, nướng với chao, thậm chí có lúc còn đem nấu ca ri để nhậu. Theo ông Ba T., dù thịt ốc ma được chế biến thành nhiều món thơm phức nhưng ông vẫn có cảm giác ngần ngại, không dám ăn.
Tuy nhiên ông Hai L., bợm nhậu nổi tiếng trong xóm, liên tục “động viên” ông Ba nếm thử thịt ốc ma, giới thiệu ăn 1 lần là ghiền. Vì theo lời ông Hai L., thì sau nhiều lần nhậu thịt ốc ma ông ta phát hiện thịt loài vật này là… thuốc sung, “Viagra tự nhiên, ông ăn bà khen”.
“Nghe ông Hai L. nói vậy, mấy tay bạn nhậu cũng xúm nhau xác nhận, nên tui đánh liều ăn thử. Nói thiệt, thịt ốc ma ăn giòn sần sật, lạ miệng, nếu túng mồi nhậu thì bắt ốc ma làm mồi cũng không tệ lắm. Nhưng còn cái khoản “sung hơn Viagra” thì tui chẳng hề thấy sung siết gì hết, dù đã nhiều lần nhậu thịt ốc ma với ông Hai L. và mấy ông kia. Chắc là mấy tay kia… nói xạo để tui ăn cho mạnh miệng, chứ “chuyện đó” thì chỉ có vợ chồng biết với nhau, mấy bà vợ của đám bợm nhậu đâu có ai dám ra mặt xác nhận?”, ông Ba T. bày tỏ.
Tin đồn vô căn cứ và nguy hiểm rình rập
Lương y Lê Hoàng Cung (Tiền Giang), ông này cười ngất, nói đó là chuyện tầm phào, không có căn cứ khoa học, trong Đông y cũng chưa từng nghe nói việc này. “Trong những năm 1980 - 1990, lúc cuộc sống còn khó khăn, tui cùng bạn bè cũng nhiều lần bắt ốc ma về chế biến món này, món nọ để ăn cơm hoặc nhậu lai rai, chỉ thấy thịt ốc ma ăn cũng tạm được. Đến lúc vô nghề thuốc, tui được biết thịt ốc ma (ốc sên) khá bổ dưỡng vì trong 100 gam thịt ốc có chứa 11 gam đạm, 6,2 gam đường, 150 mg can-xi cùng nhiều loại axit a-min khác”, ông Cung cho biết.
Theo ông Cung, trước đây cũng có 1 bài thuốc cổ chế biến từ thịt ốc sên cùng các vị thuốc như hoài sơn, đậu nành, đường kính… dùng để bồi bổ cơ thể bị suy nhược. Các thầy thuốc còn dùng ốc sên để làm thuốc trị đau nhức xương khớp, hen suyễn, viêm nhọt, nhưng lâu rồi không thấy ai dùng các bài thuốc này. “Còn chuyện “ăn thịt ốc ma sung hơn uống Viagra” thì đúng là tui mới nghe mấy ông bợm nhậu nói, chứ chưa nghe thầy thuốc nào dám khẳng định như vậy”, ông nói thêm.
Tuy nhiên ông Cung cũng lưu ý, các bài thuốc cổ có liên quan đến ốc sên đều không nhắc đến ốc ma mà chỉ nói rõ là sử dụng ốc sên hoa (nhà vườn thường gọi là ốc hương, vỏ có nhiều đốm trắng, tên thuốc gọi là Oa ngưu), nhưng phải làm thật sạch và tuân thủ các chỉ dẫn của lương y. Các bài thuốc dân gian từ Oa ngưu chủ yếu là điều trị tiêu viêm, giải độc, chống co thắt, bồi bổ cho người bị suy nhược cơ thể.
Trong khi đó theo các bác sĩ ở Bệnh viện đại học Y Dược TP.HCM thì cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào chứng minh tác dụng chữa bệnh xương khớp của ốc sên, ốc ma. Tuy nhiên, các trường hợp bị ngộ độc do ăn ốc sên, ốc ma không phải là chuyện hiếm, vì loài nhuyễn thể này có mặt ở hầu hết các vùng nông thôn từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ và từ lâu được nhiều người ăn.
Ngoài việc sử dụng ốc sên để ăn, làm mồi nhậu, nhiều người còn sử dụng nhớt ốc sên để làm thuốc đắp dưỡng da mặt, trị mụn. Tuy nhiên người sử dụng nhớt ốc ma đắp lên mặt để làm đẹp không biết 1 điều rất kinh hãi: khi con ốc bò qua thân, lá, trái cây và các loại rau, hoa thì chất nhớt của ốc tiết ra có thể gây thối nhũn các phần bị nó tiếp xúc.
Do vậy các bác sĩ cảnh báo, ốc sên ăn được nhưng việc dùng ốc sên làm đẹp hoặc làm gỏi tái, ăn sống, nướng… là rất nguy hiểm, phản khoa học. Bởi lẽ, dù bản thân ốc sên (ốc ma) không độc, có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhưng chúng thường sinh sống dưới đất, ăn tạp thực vật nên dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn độc hại, trở thành vật ký chủ lây truyền các loại ký sinh trùng gây bệnh, ấu trùng giun sán cho người ăn, nếu chế biến không chín kỹ. Mặt khác, loài vật này có thể ăn phải các loại nấm độc và cỏ cây bị phun hóa chất bảo vệ thực vật, gây ngộ độc cho người.
Ăn ốc ma dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, dẫn đến việc người ăn bị ngộ độc - Ảnh: Thanh Anh
Vào tháng 9.2018, có 1 thanh niên ở tỉnh Bạc Liêu suýt mất mạng vì bị ngộ độc nặng khi ăn ốc ma sống trong lúc đang nhậu cùng bạn bè. Người thanh niên này được thân nhân đưa đến Bệnh viện đại học Y Dược TP.HCM trong tình trạng sốt cao, đau nhức cơ toàn thân, bị viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do nhiễm ký sinh trùng và may mắn được các bác sĩ cứu sống.
Các bác sĩ khuyến cáo, người ăn ốc sên bị ngộ độc sẽ có các biểu hiện sau: nôn ói nhiều, mặt tím tái, sốt cao, cứng gáy, liệt chi, hôn mê, co giật… Khi phát hiện những biểu hiện ngộ độc này thì thân nhân cần đưa ngay người bệnh đến bệnh viện cấp cứu, nếu chậm trễ người bệnh có thể bị mù mắt, liệt chi, viêm màng não nặng và dẫn đến tử vong.
Riêng chuyện ăn ốc ma sung hơn uống Viagra, lương y Cung lý giải: chuyện sinh lý “sung” hay “yếu” đều bắt nguồn từ thận. Người thận yếu, sức khỏe kém thì sinh lý không thể nào “sung” được. Do ốc ma là loài vật chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, mấy ông nông dân ăn thường xuyên nên có tác dụng bồi bổ sức khỏe, thận không bị “yếu” và có cảm giác ăn thịt ốc ma “rất sung trong chuyện vợ chồng”, từ đó lầm tưởng ốc ma chính là bài thuốc trị yếu sinh lý tự nhiên nên đồn đại rùm beng.
Thanh Anh