Chia sẻ tại Hội nghị khoa học với chủ đề “Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch hiện nay” hôm 1.11, PSG.TS.BS Nguyễn Hoàng Định - Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Đại học y dược TP.HCM cho biết hiện ông đang điều trị cho nhiều trường hợp "bỗng dưng" thức dậy nhiều lần trong đêm rồi khó thở.
Bác sĩ Định cho biết, mới đây nhất là trường hợp của ông T.V.X. (66 tuổi, ngụ Bình Dương). Qua điều tra bệnh sử được biết, cách đây khoảng 1 năm, ông X. thấy khó thở và đau ngực khi gắng sức, đau lúc leo cầu thang hoặc đi lại nhiều, đặc biệt mỗi đêm khi ngủ ông thường thức dậy nhiều lần vì khó thở. Sau đó một thời gian dài chịu đựng, bệnh nhân mới tìm đến Bệnh viện Đại học y dược TP.HCM để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ siêu âm thì phát hiện, ông X. bị hẹp van động mạch chủ nặng, suy giảm chức năng tâm trương thất trái nặng, suy tim giai đoạn 3.. Các bác sĩ xác định, đây chính là "thủ phạm" khiến cho người đàn ông này phải thức dậy nhiều lần trong đêm.
"Chúng tôi phải tiến hành thủ thuật thay van động mạch chủ qua da cho người bệnh. Kết quả siêu âm tim tốt, van tim hoạt động bình thường. Hiện người bệnh đã phục hồi, sức khỏe đã ổn định”, bác sĩ Định cho hay.
Bác sĩ Định cho biết, trung bình mỗi năm bệnh viện này phẫu thuật khoảng 30 đến 50 trường hợp bị hẹp van động mạch chủ. Đa số các trường hợp đều được phẫu thuật thay van tim theo đường nội soi, ít xâm lấn (đường mổ nhỏ thay vì mổ hở như trước kia để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra cho người bệnh). Đây cũng là xu hướng mới trong điều trị bệnh lý này. Các phương pháp ít xâm lấn sẽ giảm mất máu, giảm đau và hạn chế các tai biến, biến chứng có thể xảy ra, giúp người bệnh phục hồi nhanh sau phẫu thuật. Trong các can thiệp ít xâm lấn, thay van động mạch chủ qua đường ống thông (hay còn gọi là thay van động mạch chủ qua da - TAVI) là kỹ thuật hiện đại nhất, mang lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh.
Theo bác sĩ Định, hẹp van động mạch chủ là bệnh phổ biến nhất về van tim, thường gặp ở người trên 60 tuổi và không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ đối diện với nguy cơ tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim và nhiều biến chứng nặng nề khác có thể dẫn đến tử vong. Ở những người bệnh hẹp van động mạch chủ nặng, ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng thì tỉ lệ tử vong trong vòng 1 năm lên đến khoảng 20 - 30%.
Như vậy, cứ 10 người bệnh hẹp van động mạch chủ nặng thì có 2 đến 3 trường hợp có thể xảy ra những tai biến, biến chứng nặng và có thể tử vong. Sau 2 năm, tỉ lệ tử vong do hẹp van động mạch chủ là 50%.
"Những người trên 60 tuổi nên khám tầm soát, kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm, thực hiện siêu âm tim để kịp thời phát hiện những bất thường ở van động mạch chủ để can thiệp trước khi bệnh trở nên quá nặng, hạn chế được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra”, bác sĩ Định khuyến cáo.
Hồ Quang