Bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình sẽ góp phần gìn giữ, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường, khắc phục ô nhiễm và suy thoái môi trường. Trong quá trình thi công xây dựng công trình, nhà thầu thi công xây dựng công trình có trách nhiệm lập và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT) bao gồm môi trường không khí, môi trường nước, chất thải rắn, tiếng ồn và quy định khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; bồi thường thiệt hại do vi phạm về BVMT do mình gây ra…
Đoạn đường xuất hiện nhiều ổ gà, mưa xuống nước đọng lại trên mặt như những chiếc ao nhỏ.
Khoản 5, Điều 64, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, việc thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu về BVMT:
Có biện pháp không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định về quản lý chất thải; việc vận chuyển vật liệu, chất thải trong hoạt động xây dựng phải được thực hiện bằng phương pháp phù hợp, đảm bảo không rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường…
Điều 3 Thông tư 02/2018/TT-BXD cũng quy định rõ trách nhiệm đối với chủ dự án trong công tác bảo vệ môi trường:
Lập kế hoạch về quản lý và bảo vệ môi trường trên cơ sở chương trình quản lý môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc kế hoạch BVMT đã được cấp có thẩm quyền xác nhận; bố trí nhân sự phụ trách về môi trường theo quy định của pháp luật về BVMT để kiểm tra, giám sát nhà thầu thực hiện kế hoạch quản lý và BVMT và các quy định về BVMT trong thi công xây dựng; tổ chức kiểm tra, giám sát các nhà thầu tuân thủ các quy định về BVMT trong thi công xây dựng công trình…
Mặt đường lầy lội, nhầy nhụa bùn đất gây ô nhiễm môi trường.
Trở lại với đường Bút Sơn 9 thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), sau khi nhận được phản ánh của người dân về những bất cập đang diễn ra tại đây trong quá trình thi công dự án, khiến cuộc sống của hơn chục hộ dân nằm dọc tuyến đường rơi vào cảnh khốn đốn do ô nhiễm môi trường và đường sá lầy lội.
Qua tìm hiểu cho thấy, đường Bút Sơn 9 nằm trong dự án đường giao thông từ QL10 đi Khu du lịch Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa, tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 5km với tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 410 tỉ đồng do UBND huyện Hoằng Hóa làm chủ đầu tư. Trong quá trình thi công dự án, hiện nay có khoảng gần 200m chạy qua hơn chục hộ dân đường Bút Sơn 9, tổ dân phố Hoằng Lọc chưa giải phóng xong mặt bằng (GPMT) nhưng trước đó nhà thầu đã tiến hành thi công. Tuy nhiên, việc thi công đã phải dừng lại từ cuối năm 2023 do vướng mặt bằng của hơn chục hộ dân này khiến đoạn đường nói trên lâm vào tình trạng dở dang, lầy lội và ô nhiễm môi trường.
Ghi nhận hiện trường cho thấy, trên mặt đường xuất hiện nhiều ổ gà và rãnh lớn cùng các vệt lún sâu. Khi trời mưa xuống, ngoài việc nước đọng thành vũng trên bề mặt, mặt đường còn trở nên lầy lội, bê bết bởi bùn đất, pha lẫn với các tạp chất khác khiến đoạn đường chẳng khác nào bãi sình lầy. Chưa kể các loại vật liệu như: Đá hộc, cành cây vứt ngổn ngang trên mặt đường và một vài loại chất thải đang tấp bên lề đường làm cho đoạn đường càng trở nên nhem nhuốc và ô nhiễm. Mưa xuống là vậy, khi trời nắng lên bụi lại bay mù mịt và cuốn vào nhà dân bên đường mỗi khi có xe ô tô chạy qua.
Thực trạng trên đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân đường Bút Sơn 9 cũng như việc đi lại của không ít người dân trong khu vực và khiến họ bức xúc.
Đá hộc và cành cây nằm ngổn ngang trên mặt đường.
Cô Diễn, một trong số người dân đang sinh sống ở đây cho biết: “Chúng tôi có đi được đâu, hôm nào đi cũng phải xắn quần, xắn áo lội. Người ta có làm đâu, tự nhiên múc ra cái rồi để như thế này, đi không đi được, khổ lắm thôi. Hai năm nay rồi, nắng thì bụi không thấy mặt mũi nữa, mưa to thì nước như thế này, không đi được, khổ lắm thôi chú ạ. Chúng tôi là người lớn thì còn lội được, nhưng trẻ con đi học là không đi được”.
Cũng trong tâm trạng bức xúc, bác Bằng, nhà có đoạn đường chạy qua trước mặt trăn trở: “Không làm được thì cũng để đường cho người ta đi. Bây giờ trẻ con, người đi làm, các cháu công nhân không đi được, khổ lắm chú à”. Người dân nơi đây cho biết là đã phải bỏ tiền túi ra mua một ít đá về rải ra phía trước cổng để làm lối đi tạm. Đồng thời, cũng đã phản ánh những bất cập này và gửi cả đơn tới chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì?.
Ngoài việc trao đổi với người dân, chúng tôi cũng đã có buổi làm việc với Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện Hoằng Hóa (QLDA) và lãnh đạo thị trấn Bút Sơn về vấn đề này. Đại diện Ban QLDA Đầu tư Xây dựng huyện Hoằng Hóa đã thừa nhận những bất cập đang diễn ra tại đoạn đường Bút Sơn 9 và cho biết tuần trước Chủ tịch UBND huyện đã họp và chỉ đạo tập trung xử lý những những tồn tại ở đây. Ban QLDA cũng đã mời nhà thầu lên để có phương án làm phần đường phía ngoài đã giải phóng được mặt bằng, còn phần đường phía cổng nhà dân chưa giải phóng được mặt bằng thì sẽ vuốt nối lên cho họ đi chứ không thể chờ xong cả mới làm được (xong giải phóng mặt bằng - PV). Đại diện Ban QLDA Đầu tư Xây huyện Hoằng Hóa còn cho biết thêm, sở dĩ xảy ra vấn đề trên là do vướng mắc trong công tác GPMB tại khu tái định cư nên đã kéo theo chưa GPMB được các hộ dân đường Bút Sơn 9.
Ông Hoàng Hải Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Hoằng Hóa, Bí thư Đảng ủy thị trấn Bút Sơn cho hay: "Việc giải phóng mặt bằng của các hộ dân đường Bút Sơn 9 chưa thực hiện được bởi hiện nay chưa có giá đất để áp giá. Thị trấn cũng đã tuyên truyền khi chưa có giá đất thì trước hết bà con cứ nhận tiền bồi thường tài sản trên đất trước, còn khi nào có giá đất thì bà con lấy sau để nhà thầu có mặt bằng thi công. Thế nhưng bà con không nghe, cứ muốn lấy được cả nên nhà thầu không thi công được. Huyện cũng rất sốt ruột, bà con thì bị ảnh hưởng và có ra nói với thị trấn, thị trấn cũng đã trao đổi nhiều lần với huyện, với Ban QLDA, nhưng vấn đề dích dắc là liên quan đến mặt bằng tái định cư cũng trên địa bàn để xác định giá đất đền bù"…
Như vậy, nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong thi công đoạn đường Bút Sơn 9 thuộc dự án đường giao thông từ QL10 đi Khu du lịch Hải Tiến khiến cuộc sống người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng đã rõ. Tuy nhiên cũng cần phải khẳng định rằng các đơn vị liên quan, như: Ban QLDA Đầu tư Xây dựng huyện Hoằng Hóa và nhà thầu… thời gian qua đã chưa làm hết trách nhiệm của mình bởi trong quá trình thực hiện dự án đã không đảm bảo được việc giao thông đi lại thông suốt cho người dân cũng như còn để xảy ra việc ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ.
Thiết nghĩ, huyện Hoằng Hóa cần quyết liệt hơn nữa trong việc tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng tại vị trí này, qua đó sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công. Trong khi chờ đợi giá đất để chi trả cho những hộ dân có đất bị thu hồi phục vụ dự án như đã nói ở trên thì Ban QLDA Đầu tư Xây dựng huyện Hoằng Hoá và nhà thầu cần sớm có phương án để đảm bảo giao thông đi lại cho người dân cũng như có giải pháp để giữ gìn vệ sinh môi trường nơi đây, tránh để họ tiếp tục bức xúc như thời gian vừa qua.
Đình Đông
Nguồn kinhtemoitruong.vn
Link bài gốchttps://kinhtemoitruong.vn/thanh-hoa-nguoi-dan-khon-don-vi-du-an-duong-giao-thong-can-tro-viec-di-lai-gay-o-nhiem-moi-truong-91549.html