Moitruong.net.vn
– Tiếng ồn thường gây ra bởi các phương tiện giao thông, máy móc, động cơ… Ô nhiễm tiếng ồn được xem là kẻ thù nguy hiểm đối với sức khỏe và hành vi con người.
Các nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn gồm: phương tiện giao thông đường phố, máy bay, đường sắt, âm nhạc, máy móc công nghiệp… Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người.
Hầu hết ở các nước, nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn chủ yếu từ tiếng ồn ngoài trời như phương tiện giao thông vận tải, xe có động cơ, máy bay và tàu hỏa, tiếng động công trình đang thi công, tiếng nhạc từ các cửa hàng, siêu thị…
Quy hoạch đô thị không tốt có thể làm phát sinh tiếng ồn, dẫn đến tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư. Thực tế, tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh,… có không ít người dân đang phải chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn bủa vây từ khắp mọi phía.
Hiện nay, phương tiện giao thông đang ngày càng tăng với mức độ chóng mặt, mật độ xe lưu thông trên đường phố ngày càng lớn, tiếng của động cơ, tiếng còi xe… khiến ô nhiễm tiếng ồn ở những khu vực thành thị ngày càng gia tăng.
Các phương tiện tham gia giao thông đông đúc là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm tiếng ồn tại các thành phố lớn. (Ảnh: Kênh14)
Những tác động của ô nhiễm tiếng ồn với sức khỏe con người
Ngoài tiếng ồn công nghiệp trong các nhà máy, công trường xây dựng, tiếng ồn phát ra từ xe cộ và từ các hoạt động giải trí trong đời sống, nhất là âm nhạc cường độ lớn cũng làm tổn hại sức khoẻ của chúng ta, dẫn đến chứng ù tai, mất tập trung, stress,…
Tiếng ồn ảnh hưởng đến tai, sau đó tác động đến hệ thần kinh trung ương, rồi đến hệ tim mạch, dạ dày và các cơ quan khác, sau đó mới đến cơ quan thính giác. Ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến sức khoẻ và hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau như mất ngủ, khó chịu, huyết áp tăng cao, bệnh tim mạch và có thể gây điếc…
Nghiên cứu khoa học của các bác sĩ Đại học Harvard cho thấy, người bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn có xu hướng biến chứng tiểu đường khi trung niên nhiều hơn so với người bình thường.
Ô nhiễm tiếng ồn gây ra tình trạng dạ dày bị rối loạn tiêu hóa, dịch vị tiết ra không đều gây nên tình trạng đầy bụng, chướng hơi và đau dạ dày về lâu dài. Với hệ tuần hoàn – tim mạch, tiếng ồn làm rối loạn nhịp tim, mạch máu bị tăng, huyết áp thất thường có thể gây tai biến đối với người già.
Đối tượng trẻ em, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cũng bị tác động không nhỏ bởi tiếng ồn. Trẻ sơ sinh khi bị tác động bởi tiếng ồn hay bị giật mình, cáu gắt và trầm cảm, khi lớn lên dễ bị tổn thương tâm lý. Trẻ em trong độ tuổi đi học thường bị mất tập trung và giảm nhận thức trong học tập.
Nếu như mức tiếng ồn 70dB tương đương với tiếng đường phố. Tiếp xúc lặp đi lặp lại thời gian dài ảnh hưởng đến hoạt động của dạ dày và giảm hứng thú lao động, tâm thần không ổn định, trí nhớ giảm sút.
Đặc biệt, tiếng ồn từ 85 dB trở lên được coi là ngưỡng gây hại của tiếng ồn. Một ví dụ khá gần gũi là tiếng ồn giao thông trên cao tốc trong hơn 30 phút lên tới 88DB sẽ gây tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể và suy nhược thần kinh.
Tiếng ồn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của con người. (Ảnh minh họa)
Làm sao để “sống chung với tiếng ồn”?
Trong khi nhiều nước trên thế giới có luật hạn chế tiếng ồn lớn nơi công cộng, quy định về bấm còi khi tham gia giao thông, thì ở Việt Nam việc bấm còi xe lại rất tùy tiện, thiếu ý thức. Tiếng còi xe inh ỏi, tiếng gầm rú từ các động cơ hay tiếng động mạnh từ các công trình xây dựng có thể khiến người đi đường giật mình, dễ xảy ra tai nạn.
Tăng cường giao thông công cộng, cấm hoạt động các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn, trồng cây xanh trên các tuyến đường… là những cách để hạn chế tiếng ồn đô thị.
Để “sống chung với tiếng ồn” nhưng vẫn không ảnh hưởng sức khỏe, có thể áp dụng một số cách đơn giản như: Sử dụng vật liệu cách âm cho căn hộ, với những ai thường xuyên làm việc ở nơi có tiếng ồn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm các bệnh lý do tiếng ồn gây nên,…
Đối với các khu vực cần yên tĩnh như: Bệnh viện, trường học, đường cao tốc qua khu dân cư,… cần xây tường cao chắn ồn. Về lâu dài, việc quy hoạch đô thị, khu công nghiệp phải xem xét đến yêu cầu chống tiếng ồn đối với các khu dân cư, nơi công cộng.
Minh Trang (T/h)