Theo Journal of Alzheimer’s Disease, các nhà khoa học đang tìm kiếm lý do giải thích tại sao, mặc dù có sự gia tăng các yếu tố nguy cơ khiến phát triển chứng mất trí nhớ, nhưng tỷ lệ mắc bệnh mới đang giảm.
Một số nghiên cứu tại Mỹ, Canada và châu Âu chỉ ra một xu hướng đầy hứa hẹn trong việc giảm tần suất và tỷ lệ mắc bệnh mất trí nhớ. Giáo sư Esme Fuller-Thomson, tại Đại học Toronto cho rằng nguyên nhân là chì.
Các nhà khoa học tin rằng các thế hệ trước trong suốt cuộc đời của họ đã tiếp xúc nhiều hơn với chì có trong khí thải. Mặc dù những tác động tiêu cực của chì đối với chỉ số thông minh ở trẻ em đã được biết đến, nhưng khoa học ít chú ý đến tác động tích lũy của việc tiếp xúc với chì suốt đời đối với khả năng nhận thức và chứng mất trí ở người lớn tuổi. Với các mức phơi nhiễm chì trước đây, các nhà khoa học tin rằng nghiên cứu sâu hơn về giả thuyết này là hợp lý.
Chì là một chất độc thần kinh, xâm nhập vào não thông qua hàng rào máu não. Các nghiên cứu trước đây ở động vật, cũng như ở những người tiếp xúc với kim loại này do các mối nguy hiểm nghề nghiệp, chỉ ra mối liên hệ giữa phơi nhiễm chì và chứng mất trí.
Các công trình khác đã cho thấy mức độ mất trí nhớ cao hơn ở những người lớn tuổi sống gần các con đường giao thông lớn, cũng như trong số những người, do nghề nghiệp của họ, có nhiều nguy cơ tiếp xúc với ô nhiễm khí thải giao thông.
Các nhà khoa học cũng đang thảo luận về những lý do khác có thể dẫn đến sự cải thiện tình trạng chứng mất trí. Các thế hệ mới ra đời có trình độ học vấn cao hơn, những người này hút thuốc ít hơn và theo dõi chặt chẽ hơn quá trình phát triển các bệnh tim mạch mạn tính, chẳng hạn như tăng huyết áp. Tuy nhiên, ngay cả khi đã tính đến các yếu tố này, số liệu thống kê về chứng mất trí vẫn đang được cải thiện, vì vậy, dường như những thay đổi này không thể được giải thích chỉ bằng cách thực hành lối sống lành mạnh.
Xăng pha chì, được sử dụng rộng rãi từ những năm 1920 đến những năm 1970, là một nguồn gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Tại Canada, hàm lượng chì trong chất phụ gia bắt đầu được điều chỉnh từ năm 1973 và nồng độ chì trong máu của người Canada giảm mạnh.
Điều tương tự cũng xảy ra ở các nước khác. Ví dụ, các nghiên cứu từ những năm 1990 cho thấy người Mỹ sinh ra trước năm 1925 đã bị phơi nhiễm khoảng gấp đôi so với những người sinh từ năm 1936 đến năm 1945. Các cấp độ tiếp xúc với chì của một đứa trẻ năm 1976 cao gấp 15 lần so với ngày nay. Vào thời điểm đó, 88% số dân có nồng độ chì trong máu lớn hơn 10 mcg/dl. Năm 2014, 1% trẻ em có nồng độ chì trong máu lớn hơn 10 mcg/dl.
Trong các công trình tiếp theo, các nhà khoa học dự định so sánh nồng độ chì trong máu, răng và xương trong những năm 1990 (trong tài liệu lưu trữ) và bây giờ. Ngoài ra, có thể nên kiểm tra mối liên hệ giữa các biến thể gien cụ thể liên quan đến sự hấp thụ chì cao hơn và tỷ lệ mắc chứng mất trí nhớ.
Hóa ra việc tiếp xúc với chì là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của chứng mất trí nhớ, vì vậy, chúng ta có thể mong đợi những cải thiện hơn nữa về tỷ lệ mắc chứng mất trí nhớ trong nhiều thập kỷ, vì mỗi thế hệ tiếp theo đều có ít thời gian tiếp xúc với chất độc thần kinh này - nhà nghiên cứu Deng ZhiDi kết luận
Vũ Trung Hương