Bệnh nhân Nguyễn Thị A. (58 tuổi, ngụ H.Thới Lai, TP.Cần Thơ), 6 tháng trước đi xe bị té, bị chấn thương vùng hông trái, sau đó bệnh tiểu máu. Bà A. tự mua thuốc (không rõ loại) uống, nhưng không giảm. Bệnh nhân từng nhập viện với chẩn đoán chấn thương thận (T) độ 3 và được điều trị nội khoa bảo tồn. Tuy nhiên, tình trạng tiểu máu vẫn tái phát nhiều lần trong 6 tháng mà không hết.
Cách đây hơn 1 tuần, bệnh nhân tiểu máu đỏ tươi toàn dòng, nên nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Lúc vào bệnh viện, sinh tồn ổn, nhưng bệnh nhân có vẻ mệt mỏi, tiểu máu đỏ tươi toàn dòng. Tiền sử chấn thương kín thận trái 6 tháng.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm, các bác sĩ hội chẩn thống nhất chỉ định chụp mạch máu số hóa xóa nền để kiểm tra mạch máu thận. Kết quả chụp mạch máu số hóa nền phát hiện dò động mạch thận phân thùy dưới thận trái tạo thành giả phình động mạch thận trái.
Ngày 16.12, ê kíp can thiệp do các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đã tiến hành nút tắc bằng 1 coil. Sau khi đặt coil, tiến hành chụp kiểm tra. Kết quả đã bít hoàn toàn lỗ dò động tĩnh mạch và đoạn giả phình mạch. Thời gian thực hiện thủ thuật là 30 phút. Bệnh nhân không cần phải trải qua phẫu thuật mổ mở thận để cắt giả phình mạch. Sáng 19.12, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, hết tiểu máu, dự kiến ra viện trong ngày 20.12.
Theo BSCK2 Nguyễn Phước Lộc, Trưởng khoa Ngoại thận tiết niệu (Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ), túi phình giả thường xảy ra sau biến chứng của thủ thuật can thiệp thận như sinh thiết thận, mở thận ra da, phẫu thuật nội soi hay phẫu thuật hở thận hoặc ngay cả chấn thương xuyên thấu thận và sau chấn thương thận kín hiếm gặp hơn.
Nó có thể được hình thành cấp tính, hoặc sau vài ngày, vài tuần hoặc nhiều tháng sau tổn thương nguyên phát. Mặc dù nhiều trường hợp khởi phát có triệu chứng nhưng các trường hợp khác vẫn không có triệu chứng trong thời gian dài. Các triệu chứng là các dấu hiệu đau mạn sườn trái hoặc phải tùy chấn thương bên nào, một khối ở mạn sườn hoặc ổ bụng đập theo nhịp mạch, tăng huyết áp hoặc tiểu máu.
Trước đây, bệnh nhân thường được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật mở thận để cắt bỏ đoạn giả phình, đôi khi phải chấp nhận mất một phần không nhỏ nhu mô thận cũng như nguy cơ tai biến của một cuộc phẫu thuật. Trong những năm gần đây, cùng với sự tiến bộ của can thiệp nội mạch, các biện pháp điều trị bảo tồn thận ngày càng được ứng dụng nhiều hơn như thắt nhánh động mạch bị rò, gây thuyên tắc, chèn bóng hoặc bít đoạn rò và giả phình mạch bằng coil.
Phương pháp bít đoạn rò và giả phình mạch bằng coil được xem là một biện pháp an toàn và hiệu quả do tránh được các biến chứng huyết khối hệ thống của các phương pháp tắc mạch khác cũng như xâm lấn tối thiểu, rút ngắn thời gian can thiệp cho bệnh nhân bụng đến thận để tiếp cận đoạn rò, sau đó đặt coil vào nhằm bít đoạn rò và giả phình mạch.
Phong Phạm