Hoại tử, nhiễm trùng chân sau khi đắp thuốc nam trị rắn cắn
Thông tin từ Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, mới đây một bệnh nhân nam (53 tuổi, trú tại Quảng Yên, Quảng Ninh), đã đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng vùng cổ chân sưng tấy, nóng rát sau khi bị rắn cắn.
Thay vì đến cơ sở y tế ngay từ đầu, bệnh nhân lại lựa chọn đắp thuốc nam tại nhà, khi vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng ông mới nhập viện. Tại đây, các bác sĩ buộc phải tiến hành cắt lọc tổ chức hoại tử và điều trị kháng sinh tích cực để kiểm soát nhiễm trùng.
Vết hoại tử, nhiễm trùng tại khu vực chân của bệnh nhân sau khi đắp thuốc nam chữa rắn cắn (Ảnh: CDC).
Theo các bác sĩ, đây không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều người dân khi bị rắn, côn trùng hoặc động vật cắn thường có xu hướng chủ quan, cho rằng vết thương nhỏ không nghiêm trọng, sử dụng các bài thuốc dân gian như đắp lá cây, bó thuốc nam, hút nọc rắn bằng miệng… và trì hoãn đến bệnh viện cho đến khi vết thương trở nặng.
Tuy nhiên, việc xử lý không đúng cách có thể khiến nọc độc lan nhanh hơn, làm chậm quá trình xử trí chuyên môn, gây biến chứng nhiễm trùng, hoại tử, và thậm chí tử vong.
Cần làm gì khi bị rắn cắn?
• Giữ bình tĩnh, bất động phần bị cắn (vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn).
• Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn (vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề).
• Làm sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước muối sinh lý.
• Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,...) cố định chân, tay bị cắn.
Làm sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước muối sinh lý sau khi bị rắn cắn (Ảnh minh họa).
• Không tự ý chích rạch, đắp lá, chườm lạnh, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc hay hút nọc độc bằng miệng.
• Không cố gắng bắt hoặc giết rắn: Nếu rắn đã chết hoặc bắt được rắn phải đem cùng với bệnh nhân đến bệnh viện để nhận dạng.
• Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời và đúng chuyên môn.
Cách đề phòng bị rắn cắn
• Tìm hiểu về loại rắn trong vùng, biết khu vực rắn thích sống hoặc ẩn nấp.
• Đi ủng, dày cao cổ và quần dài, đặc biệt khi đi trong đêm tối, đội thêm mũ rộng vành nếu đi trong rừng hoặc đi ở khu vực nhiều cây cỏ.
• Càng tránh xa rắn thì càng tốt, đầu rắn đã chết vẫn có thể cắn người.
• Không bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín.
• Không sống ở gần các nơi rắn thích cư trú hoặc thích đến như các đống gạch vụn, đống đỏ nát, đống rác, nơi nuôi các động vật của gia đình.
• Để tránh bị rắn biển cắn, người dân không nên bắt rắn ở trong lưới hoặc dây câu.
• Dùng đèn nếu ở trong bóng tối hoặc vào ban đêm.
Nam Anh
Nguồn giadinhonline.vn
Link bài gốchttps://giadinhonline.vn/nguoi-dan-ong-53-tuoi-bi-hoai-tu-nhiem-trung-chan-do-dap-thuoc-nam-de-chua-ran-can-d207238.html