Khoảng 30 giờ sau sinh, đứa trẻ được xét nghiệm và kết quả cho thấy dương tính với coronavirus. Các bác sĩ cho biết có thể người mẹ, vốn đang nhiễm vi rút, đã lây cho con khi đang mang thai. Trong khi đó nhiều trẻ sơ sinh khác cũng ra đời ở bệnh viện nhi Vũ Hán nhưng không bị nhiễm coronavirus dù người mẹ bị nhiễm bệnh.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia y tế đã cảnh báo không nên vội vàng kết luận vi rút này có thể truyền từ mẹ sang con vì vẫn còn đang trong quá trình theo dõi, điều tra cụ thể. Theo Giáo sư y khoa Paul Hunter tại ĐH East Anglia (Anh), khi phụ nữ sinh thường, em bé sẽ tiếp xúc với các vi khuẩn có trong cơ thể mẹ.
"Theo như tôi biết thì hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy khả năng coronavirus có thể lây truyền từ mẹ. Nếu một em bé bị nhiễm bệnh vài ngày sau khi sinh, hiện chúng tôi không chắc em bé đó có bị nhiễm từ trong bụng mẹ hay trong khi sinh", Giáo sư Hunter cho hay.
Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nói tất cả các triệu chứng cho rằng coronavirus lây từ mẹ sang con là chưa rõ ràng - Ảnh: Hải Yến
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tất cả các triệu chứng cho rằng coronavirus lây từ mẹ sang con là chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nếu ở Việt Nam có trường hợp mẹ đang mang thai không may mắc coronavirus thì Bộ Y tế đều có phương án. "Các phương án phòng chống và điều trị cho bệnh nhân cũng như nếu có bệnh nhân nhiễm coronavirus đang mang thai đều có quy trình cách ly nghiêm ngặt mà Bộ Y tế đã thông tin trước đó. Tuy nhiên, khi thông tin chưa chính xác và chưa được kiểm chứng cẩn thận thì người dân không nên quá hoang mang, lo lắng. Kể cả trước đó có thông tin cho rằng vi rút này có khả năng lây lan mạnh hơn khi ở nhiệt độ lạnh, nhưng đó chỉ là nhận định mang tính ban đầu, tất cả đều phải chờ kết luận, công bố từ Bộ Y tế" - ông Phu cho hay.
Cũng đồng quan điểm với PGS-TS Trần Đắc Phu, PGS-TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương cũng cho biết rằng chưa có bằng chứng khoa học cho thấy coronavirus gây bệnh viêm phổi ở Vũ Hán có thể lây từ mẹ sang con. "Tất cả những ảnh hưởng lây nhiễm đều gián tiếp và phụ nữ mang thai không nên quá lo lắng. Và nếu ở Việt Nam có bệnh nhân đang mang thai bị nhiễm bệnh thì đều tuân thủ quy trình cách ly nghiêm ngặt của Bộ Y tế và điều trị theo đúng phác đồ mà Bộ Y tế đưa ra để điều trị tốt nhất".
"Theo quy luật chung, một bệnh lý nhiễm trùng do bất kỳ nguyên nhân gì không cứ là corona, có thể là cúm hay dịch bệnh khác… thì những ảnh hưởng đến thai thông thường ở những giai đoạn rất sớm, trong những tuần đầu, 3 tháng đầu. Những ảnh hưởng đó là hậu quả chứ không phải trực tiếp", PGS Cường khẳng định.
Trao đổi với báo chí, bác sĩ Cường cũng cho biết quá trình điều trị thai phụ nếu bị nhiễm coronavirus sẽ được làm xét nghiệm, siêu âm thăm dò sàng lọc xem thai nhi có bất thường hay không vì có thể ngẫu nhiên đối với những người phụ nữ mang thai đó nhiễm bệnh chứ không hẳn do coronavirus gây ra.
Phụ nữ mang thai nên sự miễn dịch giảm, cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm coronavirus. Theo đó, cần rửa tay xà phòng thường xuyên, đeo khẩu trang đúng cách; hạn chế đi đến những nơi đông người khi không thực sự cần thiết.
Dạ Thảo