Thông tin từ Bệnh viện Quốc tế Vinh cho biết, vừa phẫu thuật thanh công cho bệnh nhi 25 tháng tuổi mắc chứng bệnh hiếm gặp.
Cụ thể, ngày 14/6, bệnh nhi P. nhập viện trong tình trạng thể trạng suy dinh dưỡng nặng, nôn ói nhiều, thậm chí nôn ra thức ăn của ngày hôm trước. Ba mẹ của bé rất lo lắng vì đã khám nhiều nơi nhưng chưa giải quyết được bệnh cho bé.
Sau tiếp nhận, các bác sĩ ngoại Nhi thăm khám, kết hợp với chụp X-quang ổ bụng không chuẩn bị có hình ảnh bóng hơi kép, chụp lưu thông ruột kết quả dạ dày giãn to đến đoạn DII tá tràng, thuốc vẫn xuống tận đại tràng. Chụp MSCT 128 dãy phát hiện dạ dày bệnh nhi giãn to có chứa nhiều thức ăn mặc dù đã cho bé nhịn ăn từ chiều hôm trước. Với kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, Bé P được chẩn đoán tắc tá tràng không hoàn toàn do màng ngăn niêm mạc. Bệnh nhi có chỉ định phẫu thuật giải phóng màng ngăn niêm mạc.
Vì thể trạng yếu nên trước khi phẫu thuật, bé được điều trị hồi phục điện giải và bổ sung dinh dưỡng. Ngày 21/6/2019, thể trạng được cải thiện và tiến hành phẫu thuật.
Các bác sỹ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi
Cuộc mổ diễn ra trong vòng 60 phút. Bác sĩ xác định dạ dày và tá tràng của bé bị giãn to, tiến hành cắt bỏ màng ngăn tá tràng và tái lập lưu thông đường tiêu hóa.
Sau 2 ngày phẫu thuật, bé đã có thể ăn uống bình thường và xuất viện sau 5 ngày. Để đánh giá khả năng tình trạng phục hồi một cách hoàn thiện, bé được hẹn tái khám sau 1 tháng.
BSCKI Nguyễn Văn Tuấn có nhiều kinh nghiệm trong chuyên khoa ngoại Nhi, trực tiếp phẫu thuật cho biết: "Bệnh lý tắc tá tràng hoàn toàn là một cấp cứu ngoại khoa ở trẻ sơ sinh. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời trẻ bị tắc đường tiêu hóa, ói mất dịch, sụt cân, rối loạn điện giải, sốc, co giật và có thể dẫn đến tử vong".
Hình ảnh chụp X-Quang dạ dày giãn lớn
Tắc tá tràng là dị tật bẩm sinh của đường tiêu hóa làm bít tắc hoàn toàn hoặc một phần tá tràng (đoạn đầu của ruột non), màng ngăn nằm ở đoạn D2 chiếm 85 – 90% các dị tật màng ngăn. Đây là bệnh lý tương đối hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 1/6000 ở trẻ mới sinh, bé trai thường mắc bệnh nhiều hơn bé gái và thường kết hợp 1 số dị tật khác như: Dị tật tim, hội chứng Down và các dị tật khác đường tiêu hóa.