Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết bệnh nhân L.T.D., 19 tuổi đã có kết quả giải phẫu bệnh là bướu bạch mạch. Đây là nguyên nhân khiến cô gái bị ứ 40 lít nước trong bụng dẫn tới vòng bụng to bất thường đến 120cm.
Ngày 2/8, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Trưởng khoa ngoại 1, bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết cô gái L.T.D., 19 tuổi, được rút hơn 40 lít nước trong bụng đã có kết quả giải phẫu bệnh là bướu bạch mạch.
Đây là một loại bệnh tế bào lành tính, thường là bẩm sinh (hội chứng Klippel-trenaunay). Căn bệnh này gây ra triệu chứng rò dưỡng chấp, một loại dịch có màu như sữa, nếu thử sẽ có lượng triglyceric tăng cao.
Trước mổ, khi chọc dẫn lưu cho bệnh nhân, các bác sĩ thấy dịch ổ bụng của bệnh nhân giống như sữa, thử lượng triglycerid tăng cao nên chẩn đoán trước mổ là rò dưỡng chấp bẩm sinh.
Kết quả sinh thiết phù hợp với chẩn đoán trước mổ. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là sau mổ, lượng dịch vẫn tiết ra khoảng 0,5-1 lít mỗi ngày, khiến các bác sĩ lo lắng không biết làm cách nào để ngăn cản tình trạng này và phải điều trị đến bao lâu.
Để giải quyết vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân, bệnh viện đã mời nhiều chuyên gia dinh dưỡng như PGS.TS Tạ Thị Tuyết Mai, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân Gia định và BSCKII Trần Thị Anh Tường, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Ung Bướu, cùng phối hợp, bàn tính rất chi li từng bữa ăn dinh dưỡng cho người bị dò dưỡng chấp. Song song đó, các bác sĩ dùng dung dịch truyền đặc biệt cho bệnh nhân.
Sau đó, dịch ngày càng trong hơn và ít đi, chỉ còn 300 - 400ml/ngày. Kết quả xét nghiệm cho thấy triglycerid không tồn tại trong dịch tiết, chân trái bệnh nhân hết bị phù to.
Bác sĩ Tiến cho biết sau 8 ngày phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân được rút 40 lít nước trong ổ bụng hồi phục tốt hơn mong đợi. Dự kiến, khoảng một tuần nữa bệnh nhân sẽ được xuất viện.
Trước đó, ngày 16/7, khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung Bướu, tiếp nhận bệnh nhân L.T.D. trong tình trạng vòng bụng to bất thường đến 120 cm. Sau khi loại trừ ung thư buồng trứng, các bác sĩ quyết định gửi email tham khảo ý kiến của các chuyên gia hàng đầu để cùng lên kế hoạch phẫu thuật cho bệnh nhân.
Sau 10 ngày hút hơn 20 lít dịch, ngày 24/7, bác sĩ Tiến cùng ê-kíp đã phẫu thuật lấy hết 20 lít dịch còn lại cho bệnh nhân. Đây là ca bệnh tràn dịch dưỡng chấp bẩm sinh đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam.
Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)