Bệnh nhân là Alan Kiandad (55 tuổi, quốc tịch Na Uy, nghề nghiệp giáo viên), đang du lịch tại TP.Cần Thơ. Tối 19.8, bệnh nhân này lên cơn đau quặn thận trái, đau vùng hông lưng trái dữ dội nên vào 1 bệnh viện gần đó, rồi mới được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Bệnh nhân có tiền sử sỏi thận 2 năm, đau lưng trái âm ỉ, được điều trị nội khoa, kèm bệnh lý tăng huyết áp nhiều năm. Đặc biệt, bệnh nhân đã đặt stent mạch vành 3 năm và có điều trị liên tục.
Sau khi thăm khám kết hợp các xét nghiệm, siêu âm bụng… các bác sĩ xác định bệnh nhân bị thận trái ứ nước độ 1, niệu quản trái giãn đoạn 1/3, trên có 1 cản âm kích thước 9mm. Bệnh nhân có nguy cơ tim mạch rất cao là tăng huyết áp, đặt stent mạch vành nên các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn gồm nhiều chuyên khoa Ngoại niệu, Tim mạch, Tim mạch can thiệp.
Và các bác sĩ thống nhất: bệnh nhân có chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể. Sau khi tư vấn bệnh nhân đồng ý. Đây là lựa chọn tối ưu với phương pháp xâm lấn tối thiểu nhưng mang lại hiệu quả cao trên bệnh có yếu tố nguy cơ tim mạch rất cao. Ưu điểm của tán sỏi ngoài cơ thể là ít xâm lấn, ít các biến chứng so với các phương pháp khác, như: tán sỏi nội soi ngược dòng, phẫu thuật nội soi sau phúc mạc…
Sáng 21.8, các y bác sĩ đã tiến hành tán sỏi ngoài cơ thể cho bênh nhân trong vòng 30 phút. Sau tán sỏi, bệnh nhân ổn định và đã tiểu ra nhiều mảnh sỏi nhỏ, bệnh nhân hết đau và được xuất viện trong ngày.
Bệnh nhân người Na Uy này cho biết, ông nhận thấy trình độ chuyên môn các bác sĩ Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực. Sau khi điều trị, ông cảm thấy rất hài lòng về kết quả và sự chăm sóc của nhân viên bệnh viện.
Thời gian qua, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đã có nhiều bệnh nhân từ Campuchia, Việt kiều từ nước ngoài về điều trị ngày càng nhiều, nhất là trong các lĩnh vực tim mạch can thiệp, phẫu thuật tim, chấn thương chỉnh hình, niệu khoa, nha khoa...
Phong Phạm